Diễn đàn kinh nghiệm phục hồi sau bão Yagi

NDO - Ngày 23/12, tại thành phố Yên Bái (Yên Bái), Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, tổ chức Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ chiến sĩ Quân khu 2 tham gia ứng cứu người dân tại thành phố Yên Bái trong bão Yagi. (Ảnh: THANH SƠN)
Cán bộ chiến sĩ Quân khu 2 tham gia ứng cứu người dân tại thành phố Yên Bái trong bão Yagi. (Ảnh: THANH SƠN)

Trong tháng 9, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu mưa sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.

Bão Yagi làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở hơn 15 triệu m3.

Diễn đàn kinh nghiệm phục hồi sau bão Yagi ảnh 1

Các tham luận làm rõ những giải pháp phục hồi kinh tế sau bão. (Ảnh: THANH SƠN)

Ước thiệt hại về kinh tế hơn 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế...

Tại diễn đàn, nhiều kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài đã được chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt cho biết, năm 2025 tiếp tục được dự báo là có những biến động thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt.

Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu vẫn đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Do vậy, các địa phương cần khẩn trương xây dựng sớm kế hoạch sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình thời tiết khí hậu, cơ cấu mùa vụ, vật tư nông nghiệp và nguồn nước.

Để phục hồi bền vững sau bão Yagi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Rà soát vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan. Xây dựng và cập nhật hệ thống cảnh báo sớm, thông tin kịp thời tới người dân. Xây dựng và ban hành hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật các đối tượng nuôi để làm cơ sở xác định hỗ trợ thiệt hại. Tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi. Kiên quyết di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường. Tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai…

Diễn đàn kinh nghiệm phục hồi sau bão Yagi ảnh 2

Sau bão số 3, công nhân Công ty cổ phần Môi trường và năng lượng Nam Thành Yên Bái khẩn trương dọn vệ sinh, làm sạch bùn đất sau bão tại các tuyến đường thành phố Yên Bái. (Ảnh: THANH SƠN)

Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay xây dựng các mô hình phòng, chống thiên tai hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chung sức xây dựng một cộng đồng an toàn, bền vững, sẵn sàng thích ứng với những thách thức mà biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt đặt ra.