Diễn biến bấp bênh của giá cả, thị trường thế giới

Diễn biến tâm lý lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và căng thẳng giữa Nga và phương Tây gây ảnh hưởng tới các thị trường dầu mỏ, tài chính. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, khi đạt hơn 139 USD/thùng. Giá nikel cũng tăng 90%, trong khi giá lúa mì tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua do lo ngại nguồn cung gián đoạn vì xung đột Nga-Ukraine. Giá vàng thế giới ở gần ngưỡng 2.000 USD/ounce, có thời điểm chạm 2.002,31 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 19/8/2020. 

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) giảm mạnh do giá năng lượng tăng cao làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ đình trệ. 

Chứng khoán Mỹ cũng có một phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư lo lắng căng thẳng Nga-Ukraine đang diễn ra sẽ làm phức tạp tình hình lạm phát và khiến nền kinh tế đầu tàu thế giới bị ảnh hưởng.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm gần 800 điểm, tương đương 2,37% và đóng cửa với mức 32.817,38 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 482,48 điểm, tương đương 3,6%, xuống còn 12.830,96 điểm. 

Tương tự, chỉ số S&P 500 giảm 3% và chốt phiên ở mức 4.201,09 điểm. Chỉ số chứng khoán toàn châu Âu STOXX 600 giảm khoảng 3% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong gần một năm.

Giá một số mặt hàng, trong đó có xăng, cũng tăng đáng kể tại Mỹ. Theo dữ liệu từ GasBuddy, giá xăng trung bình tại Mỹ đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử, với hơn 4,104 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), vượt mức kỷ lục của năm 2008 là 4,103 USD/gallon. 

Theo chuyên gia Patrick De Haan, người đứng đầu về phân tích dầu khí tại GasBuddy, chưa bao giờ giá xăng cao và tốc độ tăng nhanh như vậy tại Mỹ.