Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn (huyện Cao Lộc) cho biết: Thực hiện phương châm “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), từ đầu năm 2019 đến nay, Đồn Biên phòng Ba Sơn luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ lao động giúp dân.
Đảng viên được phân công thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh kinh tế, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc trong gia đình với hàng xóm, từ đó, tư vấn cho các gia đình phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xây dựng gia đình văn hóa, chăm lo, động viên con, cháu học tập, có lối sống lành mạnh.
Cùng với đó, Đảng ủy đồn biên phòng còn quán triệt đảng viên được phân công tham gia sinh hoạt tại chi bộ tích cực tham mưu, giúp đỡ cấp ủy, chi bộ xây dựng nghị quyết lãnh đạo sát tình hình, nhiệm vụ ở cơ sở; hỗ trợ điều hành sinh hoạt chi bộ, nhất là việc gợi mở những vấn đề thảo luận, thống nhất biểu quyết và kết luận; chủ động gặp gỡ, trao đổi với đảng viên trong thôn, làm rõ vai trò, trách nhiệm gương mẫu, tham gia sinh hoạt đầy đủ, nghiêm túc, có sổ sách ghi chép nội dung sinh hoạt, nhất là việc chuẩn bị ý kiến phát biểu.
Ông Dương Trùng Lỷ, ở thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, 5 năm qua đã được Đồn Biên phòng Ba Sơn trao 100 cây giống trà hoa vàng, đồng thời tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây giống. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, cây trà của nhà tôi phát triển rất tốt, cho thu hoạch đều đặn, kinh tế gia đình nay đã ổn định hơn, không còn lo đói, nghèo nữa...”.
Cũng như gia đình ông Dương Trùng Lỷ, anh Hoàng Văn Pháy ở xã Bảo Lâm (Cao Lộc) cũng được bộ đội Đồn Biên phòng Bảo Lâm quan tâm giúp đỡ. Anh Pháy chia sẻ: “Gia đình tôi đã được cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Bảo Lâm ủng hộ kinh phí làm nhà trị giá 11 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí đưa con tôi đi khám bệnh ở Hà Nội. Bộ đội biên phòng còn chia sẻ khó khăn, vui, buồn, lời nói đi đôi với việc làm nên bà con đặt trọn niềm tin vào bộ đội biên phòng như những anh em ruột thịt trong nhà...”.
Khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn do Bộ đội Biên phòng tỉnh phụ trách gồm: 21 xã, thị trấn, gần 70 nghìn nhân khẩu, với thành phần chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao... Những năm qua, hoạt động dân vận của bộ đội biên phòng có ý nghĩa thiết thực, sức lan tỏa lớn, khẳng định được vai trò, vị trí của bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới, tạo được chuyển biến, hình thành được nét riêng của bộ đội biên phòng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác biên phòng.
Đại tá Lương Mạnh Vông, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đây là nhân tố tích cực, giúp bộ đội biên phòng tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cùng với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, các Đồn Biên phòng còn phối hợp với các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà người dân khu vực biên giới nhân dịp lễ, Tết. Đồng thời, các đồn còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cháu thuộc diện “Nâng bước em tới trường; con nuôi Đồn Biên phòng”; tặng quà các tập thể, các gia đình tham gia phối hợp với bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, hộ nghèo. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên giới.
Trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các Đồn Biên phòng triển khai, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở trong tổ chức thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cư dân biên giới, người dân tin tưởng, giúp đỡ bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.