Điểm sáng vượt khó vươn lên ở Nghệ An

Là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, mặc dù đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua giáo dục và đào tạo huyện Tân Kỳ đã có những bước tiến rõ rệt. Nhiều năm liền, giáo dục và đào tạo huyện Tân Kỳ nằm trong những địa phương có chất lượng tốt của tỉnh Nghệ An.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của học sinh Trường THCS Nghĩa Đồng.
Giờ học của học sinh Trường THCS Nghĩa Đồng.

Trường THCS Nghĩa Đồng nằm cách trung tâm huyện Tân Kỳ chừng 20km. Trước đây, con đường đi tìm con chữ của các em học sinh nơi đây khá chênh vênh, vất vả, nhiều em phải qua đò sông Con đến trường. Với truyền thống hiếu học, thầy cô cùng các học sinh nơi đây đã vượt qua khó khăn để khẳng định được thương hiệu nhà trường khi nhiều năm liền luôn xếp thứ 2/18 trường THCS của huyện về số lượng học sinh giỏi và kết quả tuyển sinh.

Thầy Phan Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Đồng chia sẻ: Để đạt được những kết quả đáng tự hào đó, hằng năm nhà trường có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Nhà trường chú trọng việc phân luồng đối với học sinh, nhất là học sinh lớp 9; phân ra học sinh giỏi, khá, kém để có kế hoạch dạy, bồi dưỡng cho phù hợp với từng em... Trường còn tổ chức khảo sát việc dạy học của giáo viên có tham khảo ý kiến của học sinh.

Điều thuận lợi lớn nhất của nhà trường là đa số giáo viên là con em người địa phương, từng học dưới mái Trường THCS Nghĩa Đồng, cho nên phát huy được sự tâm huyết, cống hiến, đoàn kết, có động lực chuyên tâm vào công tác giảng dạy, nhất là phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; kèm cặp học sinh học yếu, cá biệt… Mới đây, Trường THCS Nghĩa Đồng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất đã phần nào nói lên bề dày thành tích của nhà trường.

Cô Trần Thị Hồ Ly, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Tân Kỳ) chia sẻ: Hình ảnh học sinh ăn, ngủ tại nhà các thầy, cô giáo trong quá trình ôn thi học sinh giỏi đã quá đỗi quen thuộc. Tranh thủ những ngày lễ, Tết, các giáo viên đã đưa học sinh về nhà, vừa nấu cơm cho các em ăn vừa tổ chức ôn luyện. Có những năm, từ 26 đến 29 tháng Chạp, các em học sinh ăn, ở và học tại nhà giáo viên.

Các thầy cô đều tận tâm giảng dạy mà không hề có tư lợi gì, chỉ với một mục tiêu giúp các em đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngay từ đầu năm, Ban giám hiệu nhà trường xây dựng các kế hoạch cụ thể, bám sát thực tế. Các tổ chuyên môn tổ chức hội thảo: Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đến nay, phần lớn giáo viên của trường đã vận dụng, đổi mới, sáng tạo trong các tiết dạy. Trường chủ động kết nối với các giáo viên giỏi trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ giảng dạy.

Ngoài ra, nhà trường còn thành lập, kết nối nhóm với các em học sinh giỏi khóa trước, mời về trường để chia sẻ kinh nghiệm học tập, từ đó tạo sự kết nối giữa các thế hệ và khích lệ phong trào học tập... hất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn của nhà trường ngày càng được nâng lên. Trung bình hằng năm, nhà trường có từ 26 đến 30 học sinh giỏi cấp tỉnh, từng bước khẳng định được thương hiệu khi là một trong chín trường bậc THCS trọng điểm của tỉnh thí điểm thực hiện đề án “Xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh Nghệ An”.

Không chỉ quan tâm học sinh giỏi, mà những em học sinh có học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn cũng được các thầy cô đặc biệt quan tâm, động viên khích lệ tinh thần. Tại Trường THCS Đồng Văn, do đặc thù trên địa bàn xã có nhiều lao động đi làm ăn xa, con cái chủ yếu ở với ông bà, thiếu tình thương của bố mẹ.

Do đó, thầy cô ở đây vừa làm công tác giảng dạy, vừa đóng vai bố, mẹ để thấu hiểu, chia sẻ cùng học trò của mình. Cô giáo Phạm Thị Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Văn cho biết: Giáo viên phải tìm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh của các em thông qua các bạn cùng lớp. Như trường hợp em N.T.H ở lớp 9A2, bố mẹ ly hôn, em ở với ông bà. Đầu năm học, H. nhất quyết bỏ học, theo bạn đi chơi. Sau khi nắm bắt được hoàn cảnh, Ban giám hiệu nhà trường đã đến tận nhà động viên, dùng tình thương để thuyết phục. Sau một thời gian vận động, em đã trở lại lớp. Hiện, H. là một học sinh ngoan, học khá, gương tốt cho các bạn trong lớp noi theo. “Không chỉ có H. mà một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khác cũng được giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, gia đình để động viên, thuyết phục các em cố gắng vượt qua nghịch cảnh để theo học đến cùng”- Cô Phương tâm sự.

Những năm qua, huyện Tân Kỳ luôn quan tâm đặc biệt việc nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó có việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Văn Thực cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển trường chuẩn. Hằng năm, UBND huyện lên kế hoạch xây dựng trường chuẩn theo lộ trình mà nghị quyết đã đề ra và ưu tiên bố trí, lồng ghép các nguồn lực, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để xây dựng trường chuẩn. Nhờ đó, không chỉ ở vùng trung tâm mà các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như Hương Sơn, Đồng Văn, Phú Sơn, Kỳ Sơn... cũng có những bước chuyển biến quan trọng trong việc đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ Hoàng Đình Sơn: Thời gian qua, ngành giáo dục của huyện đã được tăng cường đáng kể cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, toàn ngành xây mới và đã đưa vào sử dụng 154 phòng học, phòng học bộ môn, phục vụ học tập... với tổng kinh phí hơn 168,8 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 59/66 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, đạt gần 90%, cao hơn mặt bằng chung toàn tỉnh khoảng 10%.

Với những nỗ lực phấn đấu, ngành giáo dục huyện Tân Kỳ đã gặt hái được nhiều thành tích. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2022-2023, ngành giáo dục huyện xếp thứ sáu toàn tỉnh. Đáng chú ý, năm học 2020-2021, huyện có 36 em học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh, xếp thứ hai toàn tỉnh. Nhiều năm liền ngành giáo dục Tân Kỳ luôn đứng tốp 10 của tỉnh…