Điểm đến của các nhà đầu tư

NDO -

NDĐT - Đến thăm Thái Nguyên hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với sự phát triển vượt bậc trong phát triển kinh tế. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với những nhà đầu tư nổi tiếng như Samsung, Xuân Trường, Phúc Lộc, INDEVCO...

Người lao động trong xưởng sản xuất của công ty TNHH RFTech Thái Nguyên
Người lao động trong xưởng sản xuất của công ty TNHH RFTech Thái Nguyên

Chuyển mình vươn lên

Trong ít năm gần đây Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành "điểm đến" của các nhà đầu tư quốc tế. Nếu như cuối năm 2012, Thái Nguyên đứng ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố thu hút FDI trong cả nước, thì đến nay đã vươn lên vị trí 10/63 trong cả nước về lĩnh vực này.

Tỉnh đã quy hoạch 6 Khu công nghiệp, 32 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.638 ha, thu hút hơn 178 dự án đi vào hoạt động. Đặc biệt, Thái Nguyên đã thu hút Tập đoàn Samsung đầu tư cùng nhiều doanh nghiệp vệ tinh của tập đoàn.

Cơ sở hạ tầng Thái Nguyên từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành cùng với việc thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn vào tỉnh. Đây là những yếu tố tạo điều kiện để Thái Nguyên đạt được những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thái Nguyên nằm ở vị trí trung tâm vùng Trung du miền núi BắcBộ, cách Thủ đô Hà Nội 80km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 35km. Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng với khoảng cách Hà Nội - Thái Nguyên chỉ còn 62km và cách không xa cảng biển Hải Phòng.

Bức tranh thu hút đầu tư sáng màu

Để có kết quả phát triển vượt bậc trong ngày hôm nay, phải nói tới công tác quản lý đầu tư, quy hoạch và phát triển các Khu công nghiệp (KCN) của Thái Nguyên. Trong cuộc trao đổi với đồng chí Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, chúng tôi được biết: năm 2016, Ban đã hoàn thiện hồ sơ tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết như KCN Điềm Thụy - Khu A; KCN Sông Công II và Dự án đầu tư xây dựng đường 36m nối KCN Sông Công II với quốc lộ 3 cũ và nút giao Sông Công. Ngoài ra, Ban đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II; Dự án đầu tư kỹ thuật Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng KCN Sông Công II; hồ sơ lập quy hoạch chi tiết Khu đô thị và dịch vụ tiện ích KCN Sông Công II, ...

Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm thực hiện tốt. Việc tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư lớn được chú trọng thực hiện. Trong năm vừa qua, các KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư có quy mô và tiềm năng tài chính, đặc biệt KCN Điềm Thụy tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Ông Kim Im Young, Tổng Giám đốc công ty Bokwang Vina, một công ty của Hàn Quốc và là vendor của Samsung, tại KCN Điềm Thụy cho biết: "Công ty Bokwang đầu tư ở Thái Nguyên từ năm 2013. Khi đầu tư tại đây đã được tỉnh hỗ trợ rất tích cực về các thủ tục hành chính. Trong quá trình làm việc, doanh nghiệp có những khó khăn, cần tháo gỡ luôn được Ban quản lý các KCN hỗ trợ nhanh, kịp thời. Tuy nhiên tại thời điểm gần đây, các công ty mới nhập cư vào nhiều do vậy công tác tuyển nhân lực của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn".

Điểm đến của các nhà đầu tư ảnh 1

Ông Kim Im Young, Tổng Giám đốc công ty Bokwang Vina, một công ty của Hàn Quốc và là vendor của Samsung, tại KCN Điềm Thụy - Thái Nguyên.

Kết quả năm 2016 các KCN đã thu hút được 30 dự án đầu tư mới trong đó có 22 dự án FDI và 08 dự án DDI với tổng vốn đăng ký cấp mới là 126,84 triệu USD và 1.019,38 tỷ đồng. Cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 38 dự án, trong đó có 13 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư là 30,309 triệu USD và 184,492 tỷ đồng, một dự án điều chỉnh giảm vốn đầu tư là 7 triệu USD; các dự án còn lại điều chỉnh các nội dung như: thông tin nhà đầu tư, mục tiêu, tên dự án, quy mô, tỷ lệ vốn vay, vốn góp… Đặc biệt trong quý 1 năm 2017, các chỉ tiêu so với cùng kỳ năm 2016 đều vượt trên 12%. Theo đồng chí Phan Mạnh Cường: "Với tín hiệu đáng mừng trong quý 1 năm 2017, chúng tôi phấn đấu đến cuối năm sẽ thu nộp ngân sách trong KCN chiếm khoảng 50% với nguồn thu nộp ngân sách toàn tỉnh. Dự kiến trong năm sau sẽ cao hơn bởi các doanh nghiệp lớn như Samsung sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp do đó sẽ bổ sung được khoảng 2-3 nghìn tỷ đồng thu nộp nữa".

Qua các con số đáng mừng kể trên, Thái Nguyên đã tạo lập được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong KCN sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên (BQL) luôn chủ động hướng dẫn và đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ các quy định định của pháp luật như: chế độ chính sách pháp luật lao động đối với người lao động, các quy định về bảo vệ môi trường, báo cáo giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu... Thường xuyên phối hợp với các đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra về tình hình đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và xây dựng nhà máy theo quy hoạch và giấy phép xây dựng đã được cấp, hướng dẫn, nhắc nhở các nhà đầu tư, các Chủ đầu tư hạ tầng tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, đồng thời khắc phục những sai sót và yêu cầu đảm bảo chất lượng công trình theo Hồ sơ thiết kế được phê duyệt; rà soát tiến độ đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN theo quy định; đôn đốc, nhắc nhở đối với 08 doanh nghiệp chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, BQL đã thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp. Việc tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp FDI thường xuyên đã tạo nhiều thuận lợi giúp các doanh nghiệp FDI quan tâm tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư tại tỉnh, cũng như giúp công tác nắm tình hình, giải quyết kịp thời tồn đọng trong công tác. Việc phối hợp với các Sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và giải quyết, tháo gỡ các vấn đề khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển cũng được BQL rốt ráo thực hiện. Ông Park Su Ho, Tổng Giám đốc công ty TNHH RFTech Thái Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Thái Nguyên, trụ sở tại KCN Điềm Thụy thẳng thắn cho biết: "Công ty RFTech Thái Nguyên bắt đầu hoạt động từ năm 2015, đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đã hỗ trợ nhiều cho các công ty tại KCN. Tuy nhiên, còn một vài vấn đề chưa được giải quyết như việc cấp sổ đỏ chưa kịp thời. Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Thái Nguyên, cứ hai tháng một lần chúng tôi tổ chức buổi gặp mặt giữa Ban quản lý các KCN Thái Nguyên và các doanh nghiệp Hàn Quốc để trao đổi những khúc mắc, cần giúp đỡ giữa hai bên. Khi Ban quản lý hay tỉnh Thái Nguyên có các hoạt động thiện nguyện nào chúng tôi đều tham gia hỗ trợ đầy đủ, nhiệt tình".

Điểm đến của các nhà đầu tư ảnh 2

Ông Park Su Ho, Tổng Giám đốc công ty TNHH RFTech Thái Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Thái Nguyên, trụ sở tại KCN Điềm Thụy - Thái Nguyên

Công tác quản lý xây dựng được BQL luôn chủ động giám sát và yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng cũng như chủ đầu tư các dự án phải đảm bảo xây dựng và phát triển theo đúng định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do vậy hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN ngày càng được hoàn thiện, góp phần đổi mới và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các Khu công nghiệp.

Với tiêu chí "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế", công tác quản lý môi trường tại các KCN luôn được quan tâm sát sao. Đối với các KCN đã đi vào hoạt động như KCN Sông Công 1, KCN Điềm Thụy, KCN Yên Bình, BQL luôn chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm về môi trường, nhất là vấn đề xử lý nước thải tại các KCN. Do vậy, các KCN đều đã được chủ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải của các Nhà máy trước khi thải ra môi trường.

Điểm đến của các nhà đầu tư ảnh 3

Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Điềm Thụy đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 3.000 m3/ngày-đêm góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường ở KCN

Được biết, năm 2016, Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Điềm Thụy với tổng mức đầu tư 15,2 tỷ đồng đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 3.000 m3/ngày-đêm góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường ở KCN này, quá trình chạy thử nghiệm cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp của các nhà máy sau khi được xử lý đều có thông số và nồng độ đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với các sở, ban, ngành lập biên bản và chuyển cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với công tác hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong KCN tiếp cận thông tin pháp luật một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ thì công tác thanh kiểm tra được BQL thực hiện nghiêm túc. Công tác kiểm tra đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động được thực hiện thường xuyên.

Các KCN đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Công tác quản lý lao động tại các KCN luôn được chú trọng và thực hiện tốt, qua đó người lao động khi tham gia các doanh nghiệp được an tâm làm việc, ổn định cuộc sống. Công tác giới thiệu việc làm và dạy nghề tại KCN được thực hiện bài bản và đầy đủ.

Đồng chí Phan Mạnh Cường chia sẻ: "Hiệu quả đầu tư vào khu công nghiệp rất cao, hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) thấp nhất nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Chúng tôi ý thức được vai trò của các nhà đầu tư khi họ đã đầu tư vào đây. Họ chính là những minh chứng thuyết phục nhất đối với nhà đầu tư mới. Quan điểm của chúng tôi hỗ trợ các nhà đầu tư phải đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp đầu tư tại đây, chúng tôi luôn có những phương thức hỗ trợ tốt nhất cho họ hoặc xử lý cứng rắn đối với các đối tượng vi phạm".

Những tín hiệu vui trong thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên đang được khẳng định bằng việc nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang sản xuất kinh doanh thành công ở đây. Hiệu quả trong hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo ra những đóng góp đáng kể vào các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Cá được nuôi tại bể chứa nước đã qua xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Điềm Thụy.