Đưa văn học Việt Nam hội nhập quốc tế một chiến lược văn hóa quan trọng của quốc gia. Tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021, về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, khẳng định: “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”. Để thành công, chiến lược quảng bá văn học Việt rất cần sự chung sức của nhiều cấp, ngành, sự vào cuộc của chính các văn nghệ sĩ.
Cuối tháng 12/2021, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu được Tạp chí Văn hóa NEUMA (Romania) mời vào Ban Biên tập vì những đóng góp cho nội dung của tạp chí suốt hai năm qua. Không chỉ cộng tác với Tạp chí Văn hóa NEUMA, thời gian qua, dịch giả, nhà văn Kiều Bích Hậu rất nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, chị tham gia thực hiện bộ sách “Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ”, vừa ra mắt tháng 12/2021.
Xuất phát từ nhu cầu của bản thân
Phóng viên: Các hoạt động văn học sôi nổi thời gian gần đây của chị cho thấy sự nỗ lực, và quyết tâm rất lớn của chị trong việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Điều gì đã thôi thúc chị tham gia nhiệt tình vào các hoạt động này như vậy?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Điều đó xuất phát từ nhu cầu của chính tôi. Khi xuất bản đến cuốn sách thứ tư năm 2012, tôi muốn rằng mình cần thử nghiệm đưa sách của mình ra nước ngoài xem sao. Nhưng thời điểm đó, tôi không tìm thấy cánh cửa nào. Cho đến năm 2019, “cánh cửa kỳ diệu” ấy đã mở ra, khi báo chí và nhà xuất bản ở châu Âu đề nghị in tác phẩm, in sách của tôi ở châu Âu (Romania, Italia). Niềm vui ngập tràn khi tôi thấy tác phẩm của mình in bằng ngôn ngữ khác, khi thấy cuốn sách của mình tượng hình theo một cách nhìn khác với sự tưởng tượng của các đồng nghiệp phương Tây. Và khi đó, tôi cũng muốn các đồng nghiệp Việt Nam cùng được trải nghiệm niềm vui như tôi, nên đã dành công sức để kết nối thêm với nhiều biên tập viên, nhà xuất bản nước ngoài để dịch và giới thiệu tác phẩm của các nhà văn Việt Nam.
Phóng viên: Việc kết nối cùng lúc với rất nhiều “đầu cầu” ở các nước có vướng mắc gì lớn mà chị phải đối mặt, giải quyết?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Đó là vấn đề thời gian làm việc. Hằng ngày tôi dành khoảng thời gian kha khá vào buổi chiều và ban đêm để trò chuyện với các bạn đồng nghiệp nước ngoài, trao đổi dịch và xuất bản tác phẩm. Với mỗi “đầu cầu”, chúng tôi trao đổi về phương thức mà hai bên sẽ hợp tác với nhau, nội dung các tác phẩm mà trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả gặp vướng mắc, giải quyết những yêu cầu của dịch giả, biên tập viên. Đôi khi, tác phẩm đăng lên rồi lại bị biên tập cắt ngắn đi, phía đối tác nước ngoài không đồng tình,… Do đó, để một tác phẩm in được trên báo chí nước ngoài, tôi phải giao dịch với họ nhiều lần qua email, facebook.
Và đôi khi, có những tác phẩm ở Việt Nam được coi là hay, xuất sắc, nhưng lại không “trùng sóng, trùng thời” với tư tưởng Tây phương, nên cũng khó xuất bản ở nước ngoài. Đó chỉ là những tác phẩm khu biệt, mang tính địa phương, chứ chưa mang tính toàn cầu hóa. Do vậy, trong việc chúng tôi lựa chọn tác phẩm văn chương để “xuất khẩu”, thỉnh thoảng có những cú va không mong muốn với dư luận trong nước. Những người không trực tiếp làm việc với đối tác nước ngoài, sẽ đặt những câu hỏi kiểu như thế này: “Tác phẩm ấy có gì là hay mà lại giới thiệu được ra nước ngoài?”.
Phóng viên: Vậy tiêu chí của chị và các đồng nghiệp khi tuyển chọn tác phẩm để chuyển dịch và xuất bản ở các báo, tạp chí nước ngoài là gì?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Trước hết tôi đáp ứng nhu cầu của các bạn đồng nghiệp muốn mở rộng đối tượng bạn đọc ra nước ngoài, với những tác phẩm lẻ, có nội dung tốt, thể hiện nét đẹp đặc trưng văn hóa, tinh thần Việt, và những tình cảm, nhu cầu bộc lộ tâm tư. Sau đó mới là kế hoạch dịch những tác phẩm lớn, đại diện cho văn học Việt Nam từng giai đoạn. Những tác phẩm này có căn cốt Việt, nhưng cũng cần có nét tư duy có thể hòa nhập cùng tư tưởng chung của thế giới, có thể khiến bạn đọc thế giới đồng cảm.
Phóng viên: Còn quyền lợi của các tác giả có tác phẩm được đăng tải ở nước ngoài?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Quyền lợi lớn nhất là tiếng nói, tư tưởng của mình đã vượt ra khỏi biên giới, kết nối với những tâm hồn đồng điệu phương xa, từ đó mà có thêm những người bạn mới, thấu hiểu nhau với tình cảm ấm áp xuyên biên giới. Tên tuổi của họ cũng được bạn đọc nước ngoài biết đến, và cùng với tên ấy, là hai tiếng Việt Nam được xướng lên bên cạnh tên và tác phẩm của họ.
Phóng viên: Hiện nay việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam mà chị thực hiện chủ yếu là thơ, tại sao vậy?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Việc dịch văn xuôi ngốn khoảng thời gian khá lớn, và những tác phẩm văn xuôi trong thời gian hai năm vừa qua chưa thể hoàn thành việc dịch. Các tác giả hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm dăm năm nữa.
Phóng viên: Như vậy là các tác giả Việt Nam có quyền hy vọng về những dự án dài hơi ở phía trước?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Hiện nay có các nhà xuất bản ở Nga, Canada, Romania, Hungary sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam ít nhất 10 năm tới để giới thiệu tác phẩm văn xuôi Việt Nam, chủ đề từ chiến tranh Việt Nam cho đến thời kỳ đổi mới, mở cửa.
Phóng viên: Thật là một tin rất vui! Chị có thể cho biết ý kiến đánh giá, phản hồi từ các báo, tạp chí đã đăng tải tác phẩm văn học Việt Nam mà chị trực tiếp kết nối và thực hiện thời gian qua?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Nhà thơ người Italia Laura Garavaglia (Chủ tịch ngôi nhà thơ Como) nhận xét rằng, nếu không dịch thơ của nhà thơ đương đại Việt Nam, thì người dân Italia chỉ biết đến Hồ Chí Minh và Nguyễn Du mà thôi, chỉ biết đến Việt Nam thời trước 1954. Thơ nữ Việt Nam thể hiện tính nữ mãnh liệt, vượt qua những trói buộc Nho giáo để tình yêu được tỏa sáng, và người nữ khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Nhà thơ, nhà văn Nga Alexander Konstantin Kabishev, người giới thiệu thơ văn Việt Nam trên tờ Humanity cho rằng: Qua thơ văn Việt Nam, tôi thấy chúng ta lại khá gần gũi nhau trong những giá trị về tinh thần và văn hóa. Tôi còn biết Việt Nam có sự ấm áp về khí hậu và tình cảm con người. Việt Nam còn là đất nước của những con người tốt bụng và thân thiện, rất nhiều người trong số người tôi biết qua tác phẩm của họ, khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái coi họ là bạn thân. Người Việt chính là biển tài năng và dòng suối trong trẻo của tư tưởng nhân đạo hiện đại.
Cần sự chung sức của mọi người
Phóng viên: Nói về cơ hội, theo chị, chúng ta có cơ hội để đưa văn học Việt đến rộng rãi với bạn bè quốc tế hay không, thay vì cách làm còn khá nhỏ lẻ hiện nay?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Tôi nghĩ phải từ những lạch nước nhỏ, chảy thành suối, thành sông, rồi mới ra biển lớn. Nhưng vấn đề là chúng ta cần khởi lên một hành động, và làm nó hằng ngày, kiên trì, bền bỉ, lôi cuốn mọi người chung tay, chung sức…
Xét về giá trị tác phẩm Việt Nam qua các giải thưởng văn học quốc tế uy tín, thì các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại như: Viet Thanh Nguyen, Kim Thúy, Linda Le, Thuận, Trần Vũ, Đinh Linh… cũng đã xuất bản nhiều sách ở nước ngoài và được giải thưởng danh giá như giải Pulitzer, thậm chí nhà văn Kim Thúy còn được đề cử giải Văn học mới, thay thế giải Nobel Văn chương bị hoãn trong năm 2018…
Các nhà văn trong nước thì có thể kể đến nhà văn Bảo Ninh được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”; tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế; tập tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương được Nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản với bản dịch của nhà nghiên cứu người Pháp Emmanuel Poisson, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai được trao giải thưởng văn học Dayton vì hòa bình năm 2021 và nhiều giải thưởng văn học uy tín khác cho tác phẩm “The Mountains Sing”…
Như vậy, vấn đề không phải văn học Việt Nam thiếu tác phẩm hay để đưa ra thị trường văn học thế giới, mà vì sự nghiệp này chưa được quan tâm thỏa đáng. Hay nói một cách văn chương, thì chưa có vị hoàng tử xuất hiện để đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Bên cạnh đó thì chi phí dịch thuật thấp cũng là một rào cản. Đơn cử, việc trả nhuận bút dịch cho một trang tác phẩm văn học gồm 350 chữ của Việt Nam chỉ được 150.000 đồng, trong khi thị trường dịch văn học các nước trong khu vực châu Á có mức chi trả trung bình là 700.000 đồng/trang.
Phóng viên: Ngoài vấn đề kinh phí đang còn nhiều hạn chế thì theo chị, chúng ta có đủ lực lượng dịch giả để đảm nhiệm công việc nặng nề này?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Chúng ta có đủ lượng dịch giả ở Việt Nam, ở nước ngoài, vấn đề là chúng ta cần ngồi lại với nhau để cùng làm việc này với một chiến lược dài hơi và sự đầu tư thỏa đáng. Tôi thấy cái khó của người Việt là thiếu tính hợp tác, thiếu kết nối và thiếu kiên trì, thiếu những đại diện văn học thực sự giỏi nghề, năng nổ, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Nghề đại diện văn học ở ta hầu như chưa có. Chúng ta cũng chưa ý thức đủ về việc quảng bá cho tâm hồn Việt qua văn chương, chưa ý thức đủ về sự cạnh tranh ảnh hưởng văn hóa toàn cầu.
Phóng viên: Mặc dù đã có không ít tác phẩm văn học trong nước được giới thiệu, xuất bản ở nước ngoài, được đưa vào hệ thống thư viện quốc gia và một số trường đại học, tuy nhiên công tác, quảng bá văn học Việt ra thế giới vẫn cần phải được tiến hành một cách bài bản hơn. Là một dịch giả và hiện đang công tác tại Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, ý kiến của chị về vấn đề này?
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu: Để tiến hành bài bản công tác quảng bá văn học Việt ra thế giới, tôi cho rằng cần có sự đầu tư kinh phí lâu dài của nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, kết hợp cùng với các tác giả và dịch giả để tìm ra chiến lược phù hợp đưa nền văn học nước nhà vươn ra tầm thế giới.
Tôi mạnh dạn đề xuất chiến lược như thế này:
Một là, tập hợp các dịch giả đã thành danh trên khắp thế giới, đã có tác phẩm dịch văn học Việt Nam và xuất bản ở nước ngoài thành công (dịch giả có thể là người Việt, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài), trao cho dịch giả danh hiệu Đại sứ văn học Việt Nam, liên kết suốt đời với đội ngũ này để họ tiếp tục cống hiến tài năng, tâm sức cho sự nghiệp quảng bá văn học Việt Nam. Đầu tư xây dựng đội ngũ dịch giả mới, trẻ trung, tài năng, hiểu biết và chuyên nghiệp (gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Có chế độ đối đãi đúng với giá trị mà các dịch giả cần được nhận;
Hai là, xây dựng Viện dịch thuật văn học Việt Nam để quy tụ đội ngũ dịch giả tài năng, liên kết với các đối tác nước ngoài để mỗi năm xuất bản ít nhất 10 đầu sách văn học Việt Nam tiêu biểu ở 10 quốc gia mạnh về văn chương và có ngôn ngữ phổ cập như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Viện dịch thuật văn học Việt Nam cũng sẽ tổ chức các sự kiện như Hội thảo, tọa đàm xuyên quốc gia về các tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu, được giải thưởng trong nước và quốc tế. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tác phẩm văn học Việt Nam tại các quốc gia khác;
Ba là, thành lập Quỹ dịch và quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới để kêu gọi nguồn vốn công, tư cho việc dịch văn học Việt Nam, tạo nền tảng trao đổi tác phẩm văn học Việt Nam với thế giới để huy động tác phẩm và quy tụ các nhà xuất bản trên khắp thế giới. Tích cực kết nối và kêu gọi sự trợ giúp về kinh phí và phát hành sách văn học Việt Nam từ các nguồn lực ở nước ngoài. Tổ chức xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ở nước ngoài và đưa vào hệ thống thư viện nước ngoài. Khuyến khích các tác giả tự đầu tư dịch và xuất bản tác phẩm của chính mình ở nước ngoài;
Bốn là, thành lập các nhà xuất bản trong các trường đại học có khoa ngữ văn và tiếng nước ngoài để các sinh viên và giảng viên, nhà nghiên cứu văn học, các nhà ngôn ngữ học có thể dịch ngược, xuôi, liên kết xuất bản chéo tác phẩm của các nước đối tác. Cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài học tiếng Việt, khi những sinh viên này tốt nghiệp, cần ký hợp đồng dài hạn với họ để họ dành thời gian trọn đời dịch tác phẩm văn học Việt Nam;
Năm là, tổ chức xét trao giải thưởng lớn cho các tác giả Việt Nam có tác phẩm văn học, có sách được dịch và xuất bản ở nước ngoài hằng năm, và giải thưởng cho các dịch giả dịch được tác phẩm Việt Nam xuất bản ở nước ngoài;
Sáu là, tổ chức việc quảng bá thật sâu, đậm cho một số tác giả Việt Nam đương đại tiêu biểu, có những tác phẩm giá trị, đặt hàng những dịch giả danh tiếng của thế giới, dịch tác phẩm của những tác giả đó và xuất bản ở những nước có thị trường văn học mạnh, hướng tới các giải thưởng danh giá của thế giới như Nobel, Pulitzer, Man Booker quốc tế…
Điều quan trọng là chúng ta phải bắt tay vào thực hiện!
Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu sinh năm 1972 tại Hưng Yên, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Chị từng đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền phong năm 1992 với truyện ngắn “Huyền thoại về người đẹp”; giải Nhì cuộc thi “Truyện ngắn Báo Văn nghệ 2006-2007” với truyện ngắn “Đợi đò”; giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội 2008-2009 với chùm tác phẩm “Mùa sen”, “Nốt cuối của bản nhạc Jazz”. Năm 2020, tập thơ The Unknow (Ẩn số) của Kiều Bích Hậu sáng tác bằng tiếng Anh đã được dịch và xuất bản ở Italia.
Tính riêng trong năm 2021, nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu đã kết nối, và cùng các dịch giả khác trong Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội chuyển ngữ tác phẩm của gần 60 tác giả Việt Nam để giới thiệu, xuất bản ở nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Italia, Mỹ, Romania, Pakistan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary....
“Để có thể hiểu rõ căn cốt của nền văn hóa Việt Nam, lịch sử tinh thần và các giá trị làm nên sức mạnh, vẻ đẹp và phẩm giá Việt Nam thì không có hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học, nghệ thuật. Chỉ có sự khám phá công phu con người qua văn học mới có thể tiếp cận bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hóa của một dân tộc, làm cơ sở cho một nhận thức và tầm nhìn đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Làm cho tâm hồn gặp gỡ với tâm hồn, làm cho chia sẻ bù đắp chia sẻ, chính là tạo nên những trụ cột vững chắc cho một tình bạn lâu bền, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nhà văn với thế giới và nhân dân Việt Nam với thế giới”.
(Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam)