Dịch bệnh phức tạp, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng

NDO -

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của ngành nông nghiệp, tính chung 11 tháng, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu tăng.

11 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 82,67 tỷ USD.
11 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 82,67 tỷ USD.

Nhiều sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu tăng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 82,67 tỷ USD, tăng 24,7% so cùng kỳ năm trước.

Tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so tháng 11/2020 và tăng 5,8% so tháng 10/2021. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt hơn 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4,0%; nhóm đầu vào sản xuất hơn 1,5 tỷ USD, tăng 25,9%.

Tính chung 11 tháng, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà-phê, cao-su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…

Trong đó, cao-su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng nhiều mặt hàng tăng.

Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần, châu Mỹ là 29,6%, châu Âu là 11,5%, châu Phi 1,9% và châu Đại Dương 1,6%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt hơn 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,3% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD (chiếm 6,9%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 4,4%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 42,5% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản).

Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng tăng 39%

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước khoảng 39,2 tỷ USD, tăng 39,0% so cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 54,2%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 1,8%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 11,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 260,5%; nhóm đầu vào sản xuất hơn 6,6 tỷ USD, tăng 33,6%.

11 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch hàng nông, lâm, thủy sản nhập khẩu ước khoảng 39,18 tỷ USD, tăng 39,0%; xuất siêu gần 4,3 tỷ USD, giảm 56,5% so cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được nhập khẩu nhiều nhất từ khu vực châu Á (khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 30,2%) và châu Mỹ (khoảng 9,4 tỷ USD, chiếm 24,1%). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 8,9% thị phần (trong đó mặt hàng bông chiếm 35,5% giá trị). Tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5% (mặt hàng điều chiếm gần 61,7%).

Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 2 tổ công tác (phía nam và phía bắc) để chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã,… khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ nông sản, phát triển ngành hàng.

Ngành nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Cộng hòa Séc… Tổ chức Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt-Nga; xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Cập nhật 63 thông báo Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật (SPS) của Ban Thư ký WTO, trong đó có 48 Thông báo lấy ý kiến Thành viên WTO, 15 quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật có hiệu lực; xử lý 4 cảnh báo của EU; hoàn thành hồ sơ gửi Ban Thư ký WTO 1 dự thảo thông báo của Việt Nam.