Đi xa, nghĩ về gần

Ghi chép-

Chưa đến mức lũ lượt như đi trảy hội, nhưng dăm năm nay, dòng người rủng rỉnh tiền bạc rủ nhau đi du lịch châu Âu ngày mỗi tăng lên. Chỉ mới nghe những tua đến Rô-ma, Vơ-ni-dơ, Pa-ri, Viên, Luân Đôn… đã thấy hấp dẫn, mê mẩn. Toàn là thiên đường du lịch trong mơ. Mấy chục năm trước, mấy ai dám nghĩ có ngày được đặt chân tới. Lại chợt nhìn ra ngoài đường phố, thấy từng tốp khách Âu, Mỹ đầu trần, chân dép, quần ngố, áo ba lỗ cuốc bộ trên vỉa hè, lòng đường, dưới nắng thu vàng oi ả.

Khách du lịch nước ngoài tham quan làng cổ Đường Lâm.
Khách du lịch nước ngoài tham quan làng cổ Đường Lâm.

Đi du lịch, đâu chỉ để ngắm nghía cảnh và người hay vui chơi giải trí, mà còn là cơ may cảm nhận một xứ sở, một vài địa danh nổi tiếng. Liệu người đi xa trở về, người lạ từ xa xôi tới, có cùng gặp nhau ở một điểm giao cảm nào đó không?

Là người ưa xê dịch, thích đi đây đi đó, lại thừa tiền bạc lẫn sức khỏe, ông bạn vong niên của tôi vừa kết thúc một chuyến du ngoạn châu Âu. Vốn dị ứng với những chuyến du lịch nội địa bị “hành xác”, “chặt chém”, vừa hỗn độn vừa nhếch nhác, ông chọn điểm đến là tòa thánh Va-ti-căng nằm giữa trái tim nước Ý. Tưởng rằng trốn được cái nắng như thiêu đốt ở ta, ông than thở, sang đó để hưởng nắng gió Địa Trung Hải. Ai ngờ, đúng vào đợt nắng tới 35-37 độ C. Trước giáo đường mênh mông chói chang nắng gắt, oi bức, âm thanh huyên náo, hỗn độn, ai nấy vẫn phải kiên nhẫn nhích từng bước một giữa dòng người dài cả cây số.

“Chạy trời không khỏi nắng”, kiểu chầu chực cơ cực này, ngay ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mùa du lịch cao điểm, du khách nước ngoài cũng chưa phải nếm trải. Dù cũng xếp hàng dài chờ mua vé, chen chân vào ngắm một công trình kiến trúc sơn đỏ rực, nhức mắt như lạc bước vào một di sản nào đó bên Trung Quốc. Dù chỉ thấy những bia đá dựng trên những đầu rùa nhẵn bóng, mòn trơ vì tay người xoa vuốt, nhưng cũng được hít thở không khí trong lành dưới những hàng cây cổ thụ mát rượi. Còn hơn phải phơi nắng hàng giờ mới lọt vào được bên trong giáo đường. Dòng người chẳng khác những đợt sóng thủy triều xô đẩy, cuốn về phía trước. Dừng chân trước một pho tượng, một kiệt tác của các danh họa thời Phục Hưng. Chưa kịp thở, kịp chiêm ngưỡng, lập tức đã bị người ta thúc ngay sau lưng.

Nghe ông kể, nhìn gương mặt, có cảm giác ông chưa kịp hoàn hồn sau một chuyến đi ngốn hàng nghìn đô-la. Vẻ mệt mỏi, chán ngán dường như còn đọng lại. Bạn tôi mở chiếc di động, lướt mở những bức ảnh kỷ niệm trong một cuộc du hành khó quên. Thú thật, ông nói, cứ nghĩ đi một chuyến dối già, nên tranh thủ chụp lại những nơi mình đi qua, tận mắt thấy. Đâu ngờ, người Việt mình thấp bé, nhẹ cân, muốn chụp được giữa đám đông toàn người phương Tây cao to, lực lưỡng, phải nhanh chân, nhanh tay. Nếu tay không giơ cao máy ảnh quá đầu người án ngữ trước mặt, chân không lấn tới, thì chỉ chụp được những tấm lưng cánh phản, thấm đẫm mồ hôi.

Thế mới biết, khách nước ngoài sang ta sướng thật. Vẫn biết rằng, họ chỉ loanh quanh ở Hà Nội chừng một ngày là hết chỗ đi. Xa hơn một chút thì lên làng cổ Đường Lâm, rẽ sang Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hoặc ghé thăm đền Cổ Loa. Giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật thật ra không thể đặt cạnh những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới. Nhưng có nơi nào mà du khách phải xếp hàng “rồng rắn” chờ đợi dưới nắng nôi như những chỗ mà tôi từng có mặt ở Viên, hay thành phố nổi Vơ-ni-dơ. Có những công trình kiến trúc, đền đài chỉ được thấy trên truyền hình, phim ảnh, thế mà lặn lội tìm đến thì bị rào chắn lại. Người ta sợ hơi thở của du khách cùng với cát bụi dặm đường làm hỏng các tác phẩm nghệ thuật…

“Đi một ngày đàng…”, tôi lựa lời chia sẻ, cảm thông. Quả thật, với một người ham đi như ông, sau hàng giờ dãi nắng, chen lấn, chắc cũng mãn nguyện khi chui được vào những lâu đài nghệ thuật danh tiếng hơn là được thanh thản chiêm ngưỡng những kiệt tác của nhân loại. Giọng ông uể oải, nhát gừng, dọc đường chạy theo tua rã rời, thở không ra hơi, tôi gặp vô khối người Việt cùng cảnh ngộ vật vã không hơn gì… hành khất. Nhớ đời nhất là đêm ở thủ đô âm nhạc cùng khách thập phương tìm kiếm một vé vào phòng hòa nhạc. Được thưởng thức những tác phẩm cổ điển của thiên tài Mozart trên chính quê hương ông là ước nguyện cả đời tôi. Vé hòa nhạc được bày và rao bán khắp nơi, từ phòng vé đến sạp báo và cả người bán rong. Cơ may cho du khách như tôi thỏa mãn vì kiếm được một chiếc vé tốt, hóa ra lớn hơn cả niềm vui vì được thưởng thức một đêm nhạc thật sự yên bình. Khi đó, đột nhiên tôi nhớ tới những du khách nước ngoài thanh thản ngồi xem những màn rối nước, những làn điệu chầu văn, hát chèo ở Hà Nội.

So sánh là khập khiễng, khiên cưỡng. Nhiều khi không đi xa thì không thể nghĩ về gần, nơi mình bước chân đi. Khi hòa lẫn vào dòng người giàu có, lịch sự, sực nức nước hoa, bỗng dưng thấy mình bớt mặc cảm giàu nghèo, đẳng cấp. Tận mắt thấy, ở những kinh đô ánh sáng, thời trang choáng ngợp, giữa dòng ô-tô sang trọng, trên những đường phố tuyệt nhiên không vướng bụi bặm, vẫn có những người nghèo nhập cư lê bước mòn mỏi. Không có xe đẩy, hàng rong gồng gánh, quán nước trên vỉa hè như Hà Nội. Nhưng chẳng hiếm “đội quân” hàng rong bán mấy thứ đồ lưu niệm rẻ tiền, dăm chai nước tinh khiết hay kẹo cao-su.

Cũng là những tiếng rao lạc giọng, khản cổ. Cũng chèo kéo, đeo bám khách bốn phương dai dẳng và cũng ăn xin, móc túi. Ám ảnh, ấn tượng đọng mãi có lẽ là những ánh mắt thẫn thờ, bơ vơ, trống rỗng dưới mái hiên, nơi bến tàu, bến xe giữa trưa hè, lúc hoàng hôn tắt nắng. Những phận người lang thang, lê la nhặt nhạnh từng đồng từ túi tiền căng chặt của khách du lịch, ở đâu cũng có. Có điều, ngay bên cạnh cửa hàng, cửa hiệu sang trọng, trong lòng những kỳ quan, di sản lộng lẫy, choáng ngợp, họ càng “nổi bật” hơn, trớ trêu và nghịch cảnh hơn…

Tách cà-phê đã gần cạn, mà chuyện của ông dường như chưa vơi, tâm sự muốn san sẻ vẫn còn đầy. Tôi chỉ cần khơi gợi chắc sẽ còn được nghe nhiều chuyện chẳng vui vẻ gì. Nên tôi buông một câu vu vơ: Đi cho biết đó, biết đây, dù sao sẵn tiền được dịp mở rộng tầm mắt vẫn hơn là quẩn quanh một vài điểm du lịch đã quá nhàm chán. Đi chỉ mua thêm cái bực vào mình. Chẳng thà như nhiều người bây giờ đã “ngộ” ra một điều, “đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt…” như lời bài hát của Trịnh Công Sơn. Thế thật, ông trở nên hứng khởi như chiêm nghiệm ra một sự thật mà lâu nay chưa nhận rõ.

Cứ nhìn những khách Âu ngồi nhâm nhi vại bia, xì xụp những món ăn dân dã bên vỉa hè nhếch nhác… tôi tự hỏi, vì sao những con người sang trọng, lịch sự vẫn tìm thấy niềm vui, giây phút thanh thản ở những thứ, những nơi mà mình thường tự ti nghĩ là nhộn nhạo, nhem nhuốc, bệ rạc? Tôi góp lời, từng có vị du khách già người Pháp có lời khuyên, nên giữ những hàng rong, buôn bán vỉa hè ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như một thứ “đặc sản” hấp dẫn du khách. Người ta tìm thấy sự bình yên, giản dị chính ngay trong sự ồn ào, xô bồ. Hẳn nhiên không nên “thả lỏng” khắp mọi phố xá mà nên gom gọn vào những phố cổ đêm, phố ẩm thực…

Bạn tôi vẻ trầm ngâm, ngẫm ngợi: họ nói có lý thật. Ở bên đó, người ta vẫn giữ nguyên một vài khu chợ buôn bán nông sản, đồ thủ công, hàng lưu niệm. Hà Nội mình xưa có tên là Kẻ Chợ, hàng hóa theo thuyền bè dọc sông Nhĩ Hà, sông Tô Lịch đổ vào chợ. Tâm lý và thói quen bao năm nay của dân ta vẫn là chợ vỉa hè, chợ cóc, chợ xanh và gánh hàng rong. Có lẽ, du khách bốn phương, tám hướng tha thẩn, lang thang trên vỉa hè, đường phố Hà Nội là để tìm lại ký ức đã mất. Còn mình thì bỏ ra hàng ngàn ơ-rô, quăng quật đi xuyên châu Âu, tìm đường đến tương lai hiện đại mà mình đang gắng sức vươn tới. Chuyến đi này với tôi, với không ít người dường như là lùi về… tương lai.