Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn

NDO - Tỉnh Bắc Kạn hiện có 3 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 29.913ha, chiếm 7,16% diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó Vườn Quốc gia Ba Bể 10.048ha; Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ 15.715ha; Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc 4.150ha.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên là phụ nữ trong đội tuần rừng.
Các thành viên là phụ nữ trong đội tuần rừng.

Hầu hết, các khu rừng đặc dụng có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, một số khu vực là rừng nguyên sinh có trữ lượng rừng lớn, do vậy luôn đối mặt với nguy cơ bị xâm hại.

Giao khoán bảo vệ rừng là cách làm hiệu quả để bảo vệ những diện tích quý giá này. Trong đó, các tổ tuần tra, bảo vệ rừng của cộng đồng các thôn, bản dân tộc thiểu số có vai trò quyết định.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 1
Trụ sở Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đặt dưới chân núi đá tại xã Văn Lang (Na Rì). Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có diện tích lên tới 15.715ha nhưng số cán bộ, công chức của Ban quản lý chỉ có 33 người. Trung bình mỗi người quản lý gần 500ha là điều bất khả thi, vì vậy vai trò của các tổ tuần rừng là tối quan trọng.
Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 2
Thay vì ăn sáng bằng bún, phở, vào ngày tuần rừng, bữa sáng của cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là phải nấu cơm. “Cơm dằn bụng thì mới chắc dạ vì sẽ phải leo núi đá ít nhất từ 4 tiếng trở lên. Chưa kể còn phải gói cơm mang theo”, Hạt trưởng phụ trách Ban quản lý Lê Xuân Diệu chia sẻ.
Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 3

Trạm trưởng Trạm Nà Dường Đinh Duy Nhú đã gắn bó với Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ từ năm 2009. “Nhà trạm chỉ rộng chừng 10m2, dành cho 4 kiểm lâm viên trực, vì vậy phòng ngủ cũng là phòng làm việc. Anh em góp tiền lương đi chợ, nấu ăn, trồng thêm rau xanh để cải thiện. Trung bình mỗi tuần sẽ tuần rừng ít nhất 1 lần, nhiều thì 3 đến 4 lần”, anh Nhú cho biết.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 4

Cán bộ Ban quản lý cùng Trạm chốt Nà Dường thống nhất hướng tuyến đi tuần rừng ngày hôm nay. Theo Kiểm lâm viên Đỗ Công Huân, trung bình mỗi tuần một tổ tuần rừng từ 5 đến 10 thành viên sẽ phải đi khoảng 40km đường rừng, mỗi tháng sẽ là khoảng 160km. Đi rừng khu bảo tồn vô cùng vất vả vì đều phải trèo trên đá tai mèo, rất nguy hiểm, từng có kiểm lâm viên gẫy xương vì thụt chân, rơi xuống hang đá.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 5

Trạm chốt Nà Dường nằm trơ trọi ven đường. Theo anh Đinh Duy Nhú, điểm đặt trạm là nơi hứng gió nên tối mùa đông, gió thổi phần phật, rất lạnh. Đối với rừng đặc dụng, Kiểm lâm Bắc Kạn tổ chức sắp xếp, điều động, bố trí cán bộ, chiến sĩ tại các trạm kiểm lâm địa bàn, từ 3 người/trạm, bảo đảm lực lượng để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 6

Các thành viên tổ tuần tra thống nhất chọn hướng tuyến từ Thẳm Mu lên Lủng Pảng. Trong khu Kim Hỷ có rất nhiều điểm xa, đi cả buổi mới tới, như: Lũng Lương, Xạ Hang, Bó Tham.... Với diện tích hơn 15.000ha, lại có khoáng sản vàng dưới lòng đất, để bảo vệ được các tổ tuần rừng phải hoạt động liên tục.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 7

Tổ tuần rừng xuất phát từ vùng đệm là nương ngô của người dân. Những ngày cận Tết 2023, việc tuần tra càng phải được tiến hành thường xuyên hơn vì ngoài phát hiện, ngăn chặn lâm tặc còn phải kiểm tra rừng khi khí hậu lạnh khô, có nắng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 8

Kiểm tra bản đồ để định hướng đi chính xác. Với diện tích lớn, toàn bộ núi đá cao, rừng rậm nếu không có kinh nghiệm sẽ rất dễ bị lạc. Trong năm qua từng có một số người bị lạc trong khu bảo tồn phải tìm kiếm rất vất vả.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 9

Đá tai mèo là “đặc sản” của rừng đặc dụng ở Bắc Kạn. Đất lẫn đá tai mèo là thiên đường cho sự phát triển của những loài gỗ quý hiếm, như: nghiến, trai nhưng lại rất nguy hiểm cho các tổ tuần rừng vì đá sắc nhọn, nhiều khe, hang sâu.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 10

Tổ tuần rừng Thẳm Mu kiểm tra một cây nghiến cổ thụ khu vực gần đến Lủng Pảng. Chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính hiện những khu rừng đặc dụng ở Bắc Kạn còn hàng vạn cây nghiến hàng trăm năm tuổi. Sau giai đoạn bị chặt phá nhiều vào những năm 2010 đến 2015 thì hiện nay hầu hết các rừng nghiến ở Bắc Kạn đang được bảo vệ tốt.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 11

Một trong số khoảng 3 cây du sam đá vôi (thông đá) trưởng thành cuối cùng ở Việt Nam hiện đang sinh trưởng trên đỉnh núi ở rừng Kim Hỷ. Giữ bí mật vị trí những cây này đang là một nhiệm vụ quan trọng vì vậy cũng rất hạn chế chụp ảnh toàn bộ cây.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 12

Rất nhiều thành viên các tổ tuần rừng là chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền xã, các tổ nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng được 470 cuộc với 2.121 lượt người tham gia.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 13

Phút nghỉ ngơi giữa ngày tuần rừng của cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Phó Hạt trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn Phan Tiểu Tuấn (ngoài cùng bên phải) nhớ lại, những năm 2010 đến 2012, khu vực này là điểm nóng bỏng phá rừng. Công an, kiểm lâm phải căng bạt, dựng chốt ở khắp các nẻo đường. Đêm mùa đông, lửa đốt dưới, nước bốc hơi gặp mái bạt lạnh, đọng lại rơi như mưa. Rất may nhờ nhiều biện pháp mạnh giờ tình hình đã ổn, rừng đã bình yên trở lại.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 14

Trên đường trở về, đến vùng đệm, Trưởng thôn Thẳm Mu Bàn Văn Quốc tranh thủ cùng thành viên nhặt chút rau cải nương gieo từ trước để lo bữa cơm chiều. Anh Quốc cho biết: “Mức khoán bảo vệ rừng hiện rất thấp, tuy nhiên, phần lớn người dân đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ rừng nên nhiệt tình tham gia”.

Đi tuần rừng đặc dụng ở Bắc Kạn ảnh 15

Sau hơn 4 tiếng tuần rừng, khi trở về, các kiểm lâm viên lại phải bắt tay vào tổng hợp, báo cáo kết quả. Bên cạnh việc tuần rừng thường xuyên, các khu bảo tồn ở Bắc Kạn còn phải kết hợp cả ảnh viễn thám, GPS, flycam... để quan sát, nắm kịp thời diễn biến rừng.