Từ kịch hát “Chúc thọ Bác Hồ” đến kịch múa “Hái hoa dâng Bác”

Cứ mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ về một kỷ niệm không thể quên với cố GS nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và cố Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly. Thế mà, đã được 45 năm!

Vào cuối năm 1959, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - thành viên ban lãnh đạo Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa lúc đó đề nghị nghệ sĩ Thái Ly và tôi đứng ra dàn dựng một tác phẩm tầm cỡ xứng đáng mừng thọ Bác 70 tuổi, cũng là ra mắt hai đơn vị nghệ thuật mới là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Trường Múa Việt Nam. Chúng tôi đã đi đến nhất trí là nên sáng tác một vở ballet mừng thọ Bác Hồ để Trường Múa Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam có thể cùng phối hợp trình diễn. Ðã từ lâu tôi có mong ước là đến một lúc nào đó, có điều kiện, sẽ chuyển đổi vở kịch hát "Chúc thọ Bác Hồ" hay còn gọi là "Lục tuần đại khánh" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác ở Việt Bắc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Bác (năm 1950) và được người xem, thành một loại hình nghệ thuật lớn hơn như opera (nhạc kịch) hoặc ballet (vũ kịch).

Vốn là diễn viên Ðoàn Thiếu nhi nghệ thuật (tên của đoàn do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt) do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn (1947 - 1950) lại được ông dạy cho những hiểu biết bước đầu về sáng tác âm nhạc, tôi đã có được những bài hát đầu tay được phổ biến từ năm 1948. Ðể tri ân ông, cũng là để có một kỷ niệm trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc với ông, tôi đề nghị được dựa vào kịch bản của vở kịch hát "Lục tuần đại khánh" để sáng tác thành kịch múa "Hái hoa dâng Bác" mà thoạt đầu cũng lấy tên là "Chúc thọ Bác Hồ".

Nếu như 10 năm trước ở Việt Bắc, dàn nhạc của Ðoàn Thiếu nhi Nghệ thuật chỉ có mấy cái đàn măng-đô-lin, guitar, sáo trúc và một dàn diễn viên chừng hơn chục em, thì năm 1959 đã có Dàn nhạc Giao hưởng, dù mới thành lập, và cả lớp học sinh ngắn hạn, dài hạn khóa I Trường Múa cùng với một số thầy, cô tham gia biểu diễn. Sau đó, theo yêu cầu của tác phẩm, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn điều động cả bộ phận ca của Ðoàn Ca Múa Nhân dân trung ương và một số giọng hát thiếu nhi ở Ấu trĩ viên Hà Nội, nay là Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội tham gia.

Có được kịch bản gốc rồi, có được lực lượng biểu diễn tương đối hùng hậu rồi, cái khó lúc bấy giờ với chúng tôi là phải chạy đua với thời gian để sáng tác và dàn dựng tác phẩm. Tất cả chỉ còn chưa đầy năm tháng nữa! Nghệ sĩ Thái Ly hơn tôi chừng dăm tuổi; tôi đã biết tiếng ông từ hồi ở Việt Bắc, nhưng đến lúc đó mới có dịp cộng tác với nhau. Ông vừa tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh trở về, đang là phó hiệu trưởng và trực tiếp phụ trách lớp sáng tác của Trường Múa Việt Nam. Còn tôi, cũng mới tốt nghiệp khóa sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam và được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Chúng tôi rất dễ ăn ý với nhau trong nhiều chi tiết.

Nghệ sĩ Thái Ly có cách làm việc rất chính quy và mẫu mực của một biên đạo múa. Sau khi thống nhất chi tiết kịch bản với nhau, ông hoàn toàn để tôi mặc sức bay bổng trong sáng tác âm nhạc. Ông yêu cầu âm nhạc phải đi trước múa, phải là linh hồn của múa để múa tiếp tục phát huy, sáng tạo bằng ngôn ngữ múa. Vì thời gian quá gấp gáp, ông còn đòi tôi phải viết ra bản piano trước, phối khí cho dàn nhạc sau, để ông còn kịp sáng tác và dàn dựng múa. Thế là Tết Canh Tý (1960) năm ấy gần như tôi đóng cửa không tiếp khách, không du xuân.

 Âm nhạc của vở kịch múa "Hái hoa dâng Bác" tuôn trào từ ngày này sang ngày khác, có khi suốt cả đêm thâu. Sức trẻ thật tuyệt vời! Vào tuổi 70 bây giờ, nghĩ lại những ngày ấy, sức làm việc ấy, sao mà thèm thế! Ðể tác phẩm âm nhạc gần gũi với nếp thưởng thức của đông đảo công chúng Việt Nam, chúng tôi quyết định là phải có cả thanh nhạc; kịch múa có cả lời hát, tất nhiên không phải để diễn viên múa tự hát mà là hát trong dàn nhạc. Thế là âm nhạc sáng tác cho kịch múa được hình thành là thể loại tổ khúc giao hưởng và thanh nhạc gồm chín chương, không kể khúc nhạc dạo đầu và khúc nhạc ở giữa.

Trong đó, năm chương có thanh nhạc gồm đơn ca, song ca, đồng ca và hợp xướng là chương I: “Ðiệu múa của hai em bé”, chương II: “Bướm và Rừng”, chương III: “Sao hoa chẳng nở?”, chương IV: “Trăng ơi! Cho em ánh sáng”, chương VIII: “Em vẽ có giống Bác không?”

Còn lại bốn chương hoàn toàn âm nhạc không lời là chương V: “Hoa ban Tây Bắc nở rồi!”; chương VI: “Rừng Tây Nguyên rực rỡ”, chương VII: “Miền Nam có bông sen trắng” và chương IX: “Ðêm vui chúc thọ Bác Hồ”.

Tôi đã sử dụng hai ca khúc: "Em vẽ ảnh Bác Hồ" và "Em viết tên Bác Hồ" ở trong vở kịch hát "Lục tuần đại khánh" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước để sáng tác thành chương VIII và một bài hợp xướng của nhạc sĩ Vĩnh Long trong chương IV. Dàn nhạc giao hưởng sử dụng đầy đủ cả bốn bộ: gỗ, đồng, gõ, dây. Bộ gõ thêm cả nhạc khí dân tộc như quả nhạc dân tộc Thái...

Về thanh nhạc thì dùng đủ cả bốn giọng trong hợp xướng và giọng hát trẻ em trai và gái. Bấy giờ dàn nhạc giao hưởng của ta chưa có đàn hac-pơ nên tôi dùng piano thay thế. Ðể đậm đà bản sắc dân tộc, ngay từ nét nhạc dạo đầu và ngôn ngữ âm nhạc trong cả tác phẩm này chủ yếu là âm điệu ngũ cung, mang chất liệu dân ca của các vùng, miền cả nước, từ đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ đến Tây Bắc, Tây Nguyên. Tính dân tộc của tác phẩm càng được nhấn mạnh thêm nhờ các thủ pháp hòa thanh và phối khí. Là âm nhạc cho kịch múa nên nhất thiết phải có chủ đề âm nhạc cho các nhân vật và tình huống xuyên suốt tác phẩm. Ở đây là chủ đề âm nhạc của hai em bé trai, gái và chủ đề ngày hội Chúc thọ Bác Hồ. Bên cạnh đó tất nhiên còn những chủ đề cho từng điệu múa, cảnh múa.

Ðầu tháng 3-1960, những trang nhạc piano đầu tiên của kịch múa này được chuyển đến nghệ sĩ Thái Ly để ông kịp sáng tác và biên đạo múa. Ðược ông chấp nhận hết, không phải thêm bớt bao nhiêu. Lúc đó, ở trường Múa có chuyên gia Liên Xô, Dàn nhạc giao hưởng có chuyên gia chỉ huy Triều Tiên, nhưng để phát huy nội lực, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, hơn nữa cũng chẳng còn đủ thời gian cho sự đóng góp của chuyên gia theo kiểu vừa sáng tác vừa dàn dựng của ta nên nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, thay mặt lãnh đạo Vụ Nghệ thuật động viên, khuyến khích chúng tôi cứ chủ động tiến tới cho kịp mừng ngày sinh của Bác chỉ còn chừng hai tháng nữa!

Cố hiệu trưởng đầu tiên của Trường Múa Việt Nam - NSƯT Hoàng Châu đã có công đóng góp to lớn cho thành công của kịch múa này. Bao nhiêu công việc mua sắm phục trang, phông màn, ánh sáng sân khấu..., ông phải lo liệu. Bên cạnh nghệ sĩ Thái Ly, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ đầy nhiệt tình và trách nhiệm của các nghệ sĩ - thầy cô giáo: Ðoàn Long, Nghiêm Chí, Sa Kim Ðóa, Hoàng Ðiệp, Hồng Linh, Ngân Quý... trong việc dàn dựng và tham gia múa. Có thể nói những ngày tháng 4 và đầu tháng 5-1960 là những ngày hội tưng bừng của Trường Múa Việt Nam. Chắc hẳn những cựu học sinh khóa I còn nhớ mãi những ngày luyện tập vất vả, căng thẳng mà đầy hào hứng ấy!

Những ngày này, thỉnh thoảng tôi có qua lại trường múa xem những tiết mục đã dàn dựng, để lấy hứng khởi và biết thêm chi tiết đưa vào phối khí cho dàn nhạc. Theo từng ngày, những trang tổng phổ cứ dày thêm, dày thêm từ 100, 200 đến gần 300 trang chép tay. Sau này, chép sạch sẽ và dồn lại cũng còn đến gần 230 trang. Thật là một tác phẩm giao hưởng dày dặn. Cuối cùng là việc làm với Dàn nhạc giao hưởng, bộ phận ca của Ðoàn Ca Múa Nhân dân trung ương và các em ở Ấu trĩ viên Hà Nội. Lại những ngày như con thoi, sáng một nơi, chiều một nơi. Cái mệt của sự theo dõi tập tành, dàn dựng, lắp ráp,  phối  hợp  cũng  chẳng  kém  gì  một  mình sáng tác.

Không bao giờ tôi có thể quên được ông Dương Quang Thiện, giám đốc đầu tiên của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã tích cực chỉ đạo và đôn đốc dàn nhạc luyện tập và phối hợp với Trường Múa.

Tôi cũng nhớ mãi cách làm việc nghiêm túc của chỉ huy dàn nhạc Vũ Lương và nghệ sĩ Xuân Trường, trưởng bộ phận ca của Ðoàn Ca Múa Nhân dân trung ương đã góp phần không nhỏ vào thành công chung. Là một người quan tâm đến sáng tác loại hình âm nhạc lớn như giao hưởng, kịch múa, tôi càng thấm thía sự khó khăn, thậm chí là khổ đau vì ở Việt Nam mình rất khó có điều kiện để dàn dựng giới thiệu tác phẩm lớn.

Riêng về kịch múa, năm 1970 tôi còn viết vở "Bão táp" cho biên đạo múa Kim Tiến và năm 1974 viết vở "Chuyện của rừng" cho biên đạo múa Ðoàn Long mà có bao giờ dàn dựng được đâu! Cho nên, một lần nữa, tôi vẫn phải nói lên lời cảm ơn cố GS nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, các vị lãnh đạo và tập thể nghệ sĩ, diễn viên các đơn vị tham gia dàn dựng, biểu diễn vở kịch múa này. Không có họ, có lẽ công phu lao động sáng tạo của nghệ sĩ Thái Ly và tôi mãi mãi không thể thành hiện thực.

Vở kịch múa "Hái hoa dâng Bác" đã kịp thời ra mắt công chúng thủ đô tại Nhà hát Nhân dân Hà Nội đúng mừng sinh nhật lần thứ 70 của Bác. Trời mưa khá nặng hạt, phải lấy vải mưa che lên đầu để theo dõi vở diễn mà lòng tôi vẫn rộn lên niềm vui, đôi lúc nước mắt tôi nhòa cùng nước mưa. Tác phẩm giao hưởng kịch múa đầu tiên của tôi, có lẽ cũng là đầu tiên của nền âm nhạc và múa Việt Nam đã ra đời như thế đấy! Sau đó, vở kịch múa còn được đưa vào biểu diễn tại sân khấu ngoài trời trong vườn Phủ Chủ tịch để mừng thọ Người và để các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước cùng xem.

Thấm thoắt đã 45 năm trôi qua rồi, mà không biết đến bao giờ vở diễn mới được dàn dựng lại trên sâu khấu hiện đại hôm nay! Ðể  "Vở kịch múa mang lên sân khấu, đẹp rạng rỡ như một bài thơ ca ngợi lòng mến yêu đã tạo cho con người ý chí và sức mạnh thắng mọi lực lượng thiên nhiên, làm rung cảm đến lá hoa, tinh tú" như một tờ báo ngày ấy cảm nhận.