Mỗi người phụ nữ H’Mông trong bản đến tuổi trưởng thành đều trồng lanh trên một mảnh nương riêng để có sợi dệt vải cho mình và cả gia đình. Sau hai tháng, lanh vừa độ “chín”, người con gái H’Mông chọn lựa và cắt lanh về rồi phơi khô.
Để làm ra được tấm vải lanh phải tốn nhiều công phu. Đầu tiên là phải khéo léo tước cây lanh lấy vỏ. Những bó vỏ lanh được cuộn chặt rồi cho vào cối giã cho bong hết bột chỉ còn trơ lại sợi dai. Những bó sợi lanh được xe và cuộn lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn, và những người phụ nữ H’Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt lại nhiều lần cho thật trắng.
Dệt vải lanh thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng phẩm hạnh của người phụ nữ H’Mông. Người con gái H'Mông trước khi đi lấy chồng phải biết dệt vải lanh. Cô gái được mẹ cho một bộ áo váy lanh và khi về nhà chồng, cô dâu mới cũng biếu mẹ chồng bộ áo váy lanh do mình dệt và khâu.
Tấm vải lanh còn gắn bó với tâm linh người H’Mông. Chị Vàng Thị Mai, chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến ở Lùng Tám cho biết: “Người H’Mông cho rằng vải lanh gắn kết giữa người sống và tổ tiên. Sợi lanh dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người sống kiếp sau. Người H’Mông được chôn cùng bộ áo váy lanh nếu không tổ tiên sẽ không nhận, chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên”.
Tấm vải lanh sau khi dệt sẽ được nhuộm. Màu chàm đen là chủ đạo nhưng người H’Mông còn nhuộm những màu khác như đỏ, vàng, xanh sẫm…Tất cả các màu để nhuộm đều được chiết từ lá cây rừng, tuyệt đối không có hóa chất công nghiệp.
Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Người Mông ngâm vải trong nước chàm chừng một giờ, sau đó vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp, lặp đi lặp lại 5 - 6 lần mới đem vải đi phơi. Khi mảnh vải khô, lại được mang vào ngâm tiếp, cứ như thế khoảng 8-10 lần. Gặp trời nắng, mỗi mảnh vải vải lên nước đen bóng qua 3 - 4 ngày nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, thời gian nhuộm có khi kéo dài hàng tháng.
Một trong những điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của những tấm thổ cẩm lanh của người H’Mông chính là việc tạo nên những hoa văn, họa tiết bằng kỹ thuật thêu đắp vải mầu và vẽ hoa văn sáp ong độc đáo. Nghệ nhân sẽ dùng sáp ong được đun nóng để vẽ trên nền vải những họa tiết truyền thống của người H’Mông. Sau khi vẽ xong, đem nhuộm chàm, phần sáp ong không thấm màu sẽ để lại những hình hoa văn sinh động trên vải.
Không chỉ dùng may áo váy, khăn quàng, túi xách phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, mà thổ cảm lanh Lùng Tám còn được dùng để trang trí cho các quán ăn, khách sạn như những bức tranh đặc sắc, hay lại hóa thân thành những món đồ lưu niệm nhỏ xinh cho các cô cậu tuổi teen. Đồng bào còn năng động lập fanpage @DệtLanhThổCẩmLùngTám để quảng bá sản phẩm và văn hóa của mình trong thị trường 4.0.
Sản phẩm thổ cẩm lanh Lùng Tám đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và đã được xuất khẩu tới hơn 20 nước, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người H’Mông.