Tìm trong di sản

Đến làng thơ mùa ngâu

Những cơn mưa như trút không làm khó người yêu thơ tìm về với làng Chùa, trong ngày hội kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập câu lạc bộ thơ. Mái đình võng mình chở năm tháng, những mảng tường vôi vàng in dấu thời gian, như cũng phập phồng hơi thở của thơ, mưa và cảm xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Vẻ đẹp làng Chùa, xã Sơn Công, Hà Nội. Ảnh: Quang Thiều
Vẻ đẹp làng Chùa, xã Sơn Công, Hà Nội. Ảnh: Quang Thiều

Làng Chùa là tên gọi nôm của làng Hoàng Dương (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ấn tượng đầu tiên với khách phương xa chính là nét kiến trúc cổ kính của cổng làng Chùa với bốn chữ "Vọng Tự Nhập Xuất" (Nhìn chữ để biết việc ra vào). Người làng truyền tụng rằng, kể từ khi cổng làng khắc bốn chữ thiêng ấy, trẻ em ngoan ngoãn hơn, học sinh đỗ đạt đại học nhiều hơn.

Người làng Chùa, từ em nhỏ tiểu học đến những bô lão 80, 90 tuổi đều có thể đọc vanh vách hàng chục bài thơ ngay lập tức. Thậm chí, họ còn có thể ứng tác được thơ ngay theo một chủ đề nào đó. Người nông dân làng Chùa đã gửi lòng mình vào những câu thơ và những liên tưởng thú vị như "Uốn chữ tròn khuôn như đan rổ. Chuốt câu, bẻ ý tựa vót nan tre…". Rồi những đạo nghĩa, lễ nghi, thuần phong mỹ tục, qua những tứ thơ dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, cứ "cha truyền con nối" mà khắc ghi: "Không có ăn thì không thể bước đi. Nhưng không có học thì không nhìn thấy đường", hay "Mất nửa đời học làm thơ. Mất cả đời học làm người", hoặc "Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc"…

Trong hương ước của làng Chùa có viết: "Làng ta là làng hiếu học từ ngàn xưa. Làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức…". Vẫn biết người Việt yêu thơ, nhưng mê thơ và có đến hai thi đàn để làm thơ và bình thơ từ năm 1936 như làng Chùa quả thật hiếm. Nghe kể, phần thưởng thơ hồi ấy chỉ là chiếc quạt giấy, nhưng người trao và người nhận đều hết sức nâng niu. Rồi kể từ ngày 20/8/1982, người làng Chùa còn lập ra câu lạc bộ Thơ cho thỏa niềm yêu với thi ca. Thời điểm đông nhất có 40 thành viên, giờ câu lạc bộ đang có 30 người, cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Gia Lục, 85 tuổi và nhỏ nhất là Đinh Thị Hồng Duyên, 34 tuổi, là Bí thư Chi đoàn thôn Hoàng Dương. Rồi cũng chính người làng Chùa đã đem không ít bài thơ đến với Chèo, chuyển thể để cất thành tiếng hát.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhiều năm nay nung nấu dự định tổ chức một Đêm làng Chùa. "Sáng hôm sau, khi mặt trời lên, tất cả lại biến mất, nhưng những gì hiện ra trong đêm trước đó như một nơi chốn nào đấy của thiên đường là có thật. Những người nông dân nuôi niềm tin, cuộc sống của họ không chỉ là lam lũ và đói nghèo mà vẫn chứa đựng trong đó những điều kỳ diệu", người con làng Chùa tiết lộ. "Người làng Chùa làm thơ vì vui, vì buồn, vì tuyệt vọng và làm thơ vì cái chết nhưng không bao giờ làm thơ vì lòng hận thù"...

Rời làng Chùa trong màn mưa ken dày, vẫn in bóng dáng người chủ nhà cầm ô đứng bên ngoài cánh cổng xưa cũ tiễn đến người khách cuối cùng. Chúng tôi biết, ký ức về một ngôi làng, một mái đình, một không gian thơ thấm đẫm nét truyền thống sẽ còn nhắc nhớ ngày trở lại.