Đem đàn T’rưng đi "đánh xứ người"

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih, sinh năm 1973, dân tộc Gia Rai, ở làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai) nổi tiếng khắp buôn làng Tây Nguyên với tài chế tác nhạc cụ dân tộc. Ông đã vinh dự đại diện cho Việt Nam đi biểu diễn, giới thiệu âm nhạc cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên tại nước ngoài và được đông đảo công chúng, khán giả đón nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Gia Rai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Gia Rai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Nghệ nhân Rơ Châm Tih cho biết, từ thuở nhỏ, ông đã đam mê các nhạc cụ cổ truyền của đồng bào Gia Rai. Tâm hồn trẻ thơ của Rơ Châm Tih luôn bay bổng theo giai điệu thánh thót của những tiếng đàn và lời ca tiếng hát của bà con đồng bào Gia Rai trong các đêm lễ hội… Ông nhớ lại: Năm 2000, tôi vinh dự được vào Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Hội diễn "Gặp gỡ đất phương nam". Sau lần biểu diễn đó, có một khách hàng yêu thích nhạc cụ dân tộc đã hỏi mua lại cây đàn T’rưng. Tôi nảy ra ý nghĩ: "Tại sao mình và bà con trong buôn làng không làm những nhạc cụ của dân tộc mình để bán?".

Trở về buôn làng, ông cùng một người bạn là Ksor Joan thành lập Hợp tác xã Chế tác nhạc cụ dân tộc và đồ thủ công mỹ nghệ ở phường Thắng Lợi, Thành phố Pleiku. Lúc đầu, mỗi ngày xưởng chỉ làm được hơn 20 đàn. Sản phẩm làm ra đến đâu khách hàng đến mua hết từng đó. Uy tín của hợp tác xã do ông Tih làm chủ nhiệm ngày một lan truyền xa hơn. "Đơn đặt hàng của hợp tác xã ngày một nhiều. Tôi mở lớp dạy nghề cho 45 học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các em vừa học, vừa làm. Sau khi học nghề, một số sẽ ở lại xưởng làm việc. Số còn lại về các làng, bản là những hạt nhân vừa truyền đạt, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các loại đàn trong đời sống", ông Tih cho biết.

Theo lời của nghệ nhân Rơ Châm Tih, để làm được một cây đàn T’rưng đẹp, âm thanh chuẩn phải tốn nhiều công sức. Tre phải ngâm dưới bùn ao đến ba năm mới có thể mang lên để làm. Giờ những công đoạn đó đơn giản hơn. Tre chặt về phơi nắng ba tháng rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên bếp. Sau công đoạn ấy, những đoạn tre thẳng nhất, già và vàng nhất mới được đem làm đàn. Một cây đàn T’rưng làm chỉ một ngày là xong, nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn bốn tháng. Ngoài chế tác nhạc cụ dân tộc như: T’rưng, Kơ Ní, Goong, K’lông Bút,… Rơ Châm Tih còn làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống của người Tây Nguyên như: gùi, đàn gió, mô hình nhà rông, tượng gỗ dân gian thu nhỏ thành sản phẩm làm quà lưu niệm và giới thiệu chúng như những sản phẩm văn hóa.

Là một trong những nghệ nhân thành công nhất ở Gia Lai trong việc bảo tồn và phát triển nhạc cụ của dân tộc, ông Rơ Châm Tih được đại diện các nghệ nhân tỉnh Gia Lai đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, ông thường xuyên góp mặt trong Đoàn nghệ thuật dân tộc của Việt Nam đến nhiều nước biểu diễn như: Hà Lan, Australia, Đức, Anh… Nghệ nhân Rơ Châm Tih tự hào cho biết: "Khi được đại diện cho đất nước Việt Nam, cho tỉnh Gia Lai đi biểu diễn, giới thiệu âm nhạc truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, tôi mang cả tình yêu thương dân tộc mình, niềm tự hào về đất nước và con người Việt Nam và cống hiến hết lòng cho khán giả. Tôi rất tự hào, vì đã góp phần truyền tải được tình yêu cộng đồng dân tộc Gia Rai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung đến với công chúng thông qua âm thanh từ những thanh tre, ống nứa, vốn rất dung dị, gần gũi, gắn với thiên nhiên, gắn với đời sống của đồng bào".