Đêm 13/2 có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết

NDO -

Chuyên gia khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trong đêm nay, 13/2, ở các tỉnh vùng núi phía bắc, nhất là các điểm núi cao, có khả năng sẽ xảy ra hiện tượng băng giá, mưa tuyết.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ nay đến hết tháng 2/2022, khu vực miền bắc sẽ tiếp tục xảy ra những đợt rét đậm, rét hại.

Đáng chú ý, ngay trong đêm nay (13/2), có khả năng sẽ xảy ra hiện tượng băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng núi phía bắc, nhất là các khu vực núi cao.

Từ nay đến hết tháng 2 còn 2 đợt rét đậm, rét hại

Phóng viên: Đầu tiên, xin ông cho biết tình trạng mưa rét, ẩm ướt ở khu vực các tỉnh miền bắc, dự báo sẽ còn kéo dài đến bao giờ?

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường): Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tiếp tăng cường nên từ ngày 29/1 đến nay, các tỉnh khu vực phía bắc liên tiếp ở trong tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo đó là những cơn mưa nhỏ, mưa phùn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn trên sẽ còn duy trì đến hết tháng 2/2022.

Sang đến tháng 3, không khí lạnh sẽ suy giảm dần về cường độ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của không khí lạnh lệch đông nên ở khu vực phía đông Bắc Bộ, trong thời kỳ dự báo có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù.

Phóng viên: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết tháng 2/2022, khu vực miền bắc còn tiếp tục xảy ra các đợt không khí lạnh. Vậy dự báo tình hình rét đậm, rét hại sẽ như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 13/2, khu vực Bắc Bộ sẽ có một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh. Sau đó, đến ngày 19/2 (cuối tuần sau) tiếp tục có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng.

Như vậy, từ nay đến hết tuần tới có 2 đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng tới Bắc Bộ.

Trong đó, đợt không khí lạnh từ ngày hôm nay, 13/2, sẽ kết hợp thêm với một dải hội tụ gió ở trên cao (ở mức dưới mức 5.000m). Tương tác của không khí lạnh và dải hội tụ này sẽ gây ra đợt mưa rào và dông trên diện rộng ở Bắc Bộ.

Dự báo trong ngày và đêm nay (13/2), ở Bắc Bộ sẽ xảy ra một đợt rét đậm, vùng núi rét hại. Đặc biệt, ở các tỉnh vùng núi phía bắc, nhất là các điểm núi cao, trong đêm nay có khả năng sẽ xảy ra hiện tượng băng giá, mưa tuyết.

Trong hai ngày tiếp theo (từ ngày 14 và 15/2), không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống, tuy nhiên mưa sẽ giảm, do vậy tình trạng rét đậm, rét hại sẽ giảm theo.

Từ ngày 16 đến 18/2, không khí lạnh sẽ yếu đi nên khu vực Bắc Bộ chuyển sang tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn vào ban đêm và sáng sớm.

Đến ngày 19/2, sẽ có đợt gió mùa đông bắc mạnh mới, lúc đó, miền bắc sẽ trở lại tình trạng mưa rét và có khả năng xảy ra đợt rét đậm tiếp theo.

Cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét

Phóng viên: Ngoài các đợt không khí lạnh kể trên, nhận định chung về thời tiết rét và nền nhiệt độ đến hết tháng 2/2022 thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng: Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày đầu tháng 2/2022 tới nay, nền nhiệt độ ở các tỉnh miền bắc phổ biến ở mức ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C.

Trong những ngày tới (những ngày còn lại của tháng 2), do liên tục xảy ra các đợt không khí lạnh được tăng cường và cường độ của các đợt không khí lạnh này cũng tương đối mạnh, nên nhiệt đột ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ vẫn phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ (ở khu vực núi và trung du).

Phóng viên: Trước tình trạng mưa rét trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia có đưa ra khuyến cáo gì với người dân?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng: Như chúng tôi đã nhận định từ nay đến hết tháng 2/2022, khu vực miền bắc sẽ tiếp tục xảy ra những đợt rét đậm, rét hại.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do vậy, người dân cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét cho bản thân và gia đình như mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa. Người miền núi hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín…

Ngoài ra, người dân cần giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!