Đề xuất xử phạt hành vi trúng đấu giá nhưng không mua tài sản

NDO - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm xử lý một số vấn đề phát sinh trong thực tế cũng như hướng đến việc đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất xử phạt hành vi trúng đấu giá nhưng không mua tài sản

Sáng 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phạt 50% giá trị hợp đồng nếu bỏ cọc

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng mức tiền đặt trước từ 5-20% như hiện hành là phù hợp. Nếu nâng mức tiền đặt trước lên trên 20% như Chính phủ đề xuất thì quyền tự do tham gia giao dịch của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nếu có ít cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, tính cạnh tranh bị giảm, ảnh hưởng kết quả đấu giá.

Đại biểu Dung nêu thí dụ: Nếu nâng mức tiền đặt trước đến 40-50%, tài sản đưa ra đấu giá có giá khởi điểm là 1 tỷ đồng, thì người muốn đăng ký tham gia đấu giá phải chuẩn bị và nộp tiền đặt trước là 400-500 triệu đồng. Đó là số tiền rất lớn, nhất là khi người tham gia đấu giá cũng chưa chắc là mình có trúng giá hay không.

Đề xuất xử phạt hành vi trúng đấu giá nhưng không mua tài sản ảnh 1

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: Duy Linh

Nhắc tới một loạt hiện tượng đấu giá tiêu cực của các tổ chức hoặc cá nhân nhằm thao túng thị trường, hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải để mua tài sản hoặc phô trương thanh thế… mà sẵn sàng chịu mất tiền đặt trước, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề xuất xử phạt người bỏ cọc.

Cụ thể, nếu người tham gia đấu giá trúng đấu giá sau thời gian quy định nếu không nộp tiền mua tài sản mà không chứng minh được vì lý do bất khả kháng (lý do bất khả kháng được quy định theo Bộ luật Dân sự), ngoài mất tiền đặt trước thì phải nộp thêm tiền phạt bằng với số tiền cọc.

Đồng tình với đại biểu Dung, đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cũng cho rằng phương án nâng tiền đặt cọc lên trên 20% giá trị tài sản đấu giá là không khả thi, bởi với các tài sản có giá trị rất lớn, trên 20% là một con số không hề nhỏ. Điều này sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng tham gia đấu giá.

Xuất phát từ thực tiễn có nhiều người trúng giá đơn phương không thực hiện mua bán tài sản và sẵn sàng bỏ tiền cọc, đại biểu Hiếu đề xuất Quốc hội cần quy định một chế tài phạt hợp đồng với hoạt động bỏ cọc khi đấu giá.

“Tôi thấy, có thể nâng mức phạt từ 30-50% đối với những người mà trúng đấu giá nhưng đã đơn phương huỷ hợp đồng nhằm bảo đảm sự lành mạnh cho hoạt động đấu giá” - đại biểu Hiếu nói.

Đề xuất có người bỏ cọc thì người đứng thứ 2 được trúng đấu giá

Để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị phạt vi phạm hành chính, tăng tiền đặt cọc so với quy định hiện hành, không cho các đối tượng này tham gia đấu giá lần sau.

"Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có nhiều tiền nhưng muốn làm gì thì làm, làm xáo trộn thị trường" - đại biểu Hòa nói và đề nghị, nếu có trường hợp này thì người đứng thứ 2 được trúng đấu giá mà không phải đấu giá lại, gây mất thời gian, tiền bạc của người dân.

Nhắc lại các vụ việc đấu thầu, đấu giá bất thường, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự.

Đề xuất xử phạt hành vi trúng đấu giá nhưng không mua tài sản ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). Ảnh: Duy Linh

Đại biểu cho rằng, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu giá, chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cũng đồng ý với việc cho phép người thứ 2 trúng đấu giá với điều kiện người thứ nhất không thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu Cảnh cũng bày tỏ băn khoăn: “Điều này sẽ có sơ hở. Với tài sản định giá khoảng 500 triệu đồng mà người thứ nhất mà trả 1 tỷ đồng, người thứ 2 trả 100 triệu đồng, nếu người thứ nhất mà bỏ cọc, người thứ 2 trúng đấu giá thì nhà nước sẽ bị thất thoát”.

Theo đó, đại biểu Cảnh đề nghị cho phép người thứ 2 trúng đấu giá với điều kiện là hai người chỉ được chênh lệch một mức giá, hoặc mức chênh lệch đó phải thấp hơn khoản chi phí bỏ ra để thực hiện đấu giá.

Hướng đến đấu giá là một nghề chuyên nghiệp

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã có 131 ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường đều hầu hết nhất trí với việc sửa đổi luật nhằm giải quyết những vấn đề mới phát sinh trên thực tế như liệt kê tài sản bảo đảm, trình tự thủ tục rút gọn, chế tài với người trúng đấu giá mà bỏ, đấu giá để cho thuê tài sản… Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng.

Qua tổng kết thi hành 5 năm qua đấu giá, cả nước đã thực hiện khoảng 200 nghìn cuộc đấu giá với trên 90% là tài sản công, trong khi thông lệ quốc tế chủ yếu là đấu giá tài sản tư. Số liệu hiện hành cho thấy đấu giá đang hoạt động bình thường.

Sửa đổi lần này nhằm cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung quy trình bán đấu giá, đặc biệt đối với tài sản đặc thù như hạ tầng giao thông vận tải, quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện.

Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ: “Luật sửa đổi nhằm xử lý một số vấn đề phát sinh trong thực tế, hướng đến việc đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường”.

Đề xuất xử phạt hành vi trúng đấu giá nhưng không mua tài sản ảnh 3

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Duy Linh

Giải trình một số nội dung cụ thể về trình tự thủ tục nhằm hạn chế thông đồng, dìm giá, quân xanh-quân đỏ, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, dự thảo cố gắng công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, kéo dài thời hạn cần thiết, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, quy trình xét duyệt… và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về chế tài với người bỏ cọc, Bộ trưởng nhận định để thực hiện ngay thì còn nhiều yếu tố liên quan, ngoài quy định chặt chẽ của pháp luật còn có đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề, trách nhiệm người quản lý. Bộ Tư pháp đang cố gắng để nâng tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề và của các đấu giá viên.

Khi rà soát xem xét các luật liên quan đến hoạt động của các nghề tư pháp, luật sư, công chứng, giám định,… Bộ sẽ cố gắng xây dựng thành một khối thống nhất theo hướng bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đối với các chức danh tư pháp nêu trên.

Đề xuất xử phạt hành vi trúng đấu giá nhưng không mua tài sản ảnh 4
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giải trình trước Quốc hội tại phiên làm việc ngày 28/11. Ảnh: Duy Linh

Bộ trưởng Tư pháp cho biết thêm, Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu rất kỹ các ý kiến phát biểu, tham gia hôm nay để hoàn thiện dự thảo luật báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ sau.