Đề xuất sửa đổi 5 nhóm nội dung trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

NDO - Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26), với cam kết “Net Zero”, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng.
Đề xuất điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ Bộ Công thương thực hiện Nghiên cứu, rà soát Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh giai đoạn 2023 -2024.

Theo Bộ Công thương, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định liên quan để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sản xuất, cung ứng và sử dụng năng lượng (điện , than, dầu khí…).

Theo các chuyên gia, nhiều nội dung quy định trong Luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh; việc triển khai thi hành Luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Luật chưa quy định cụ thể các giải pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng. Hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp, không có cơ quan độc lập để kiểm định chất lượng dịch vụ kiểm toán năng lượng, tư vấn năng lượng.

Đặc biệt, Luật chưa quy định hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế thực hiện các hợp đồng hiệu quả năng lượng theo mô hình ESCO.

Bộ Công thương đã nhận được ý kiến góp ý, tham vấn của 12 bộ, ngành, 63 tỉnh thành phố và 70 Tập đoàn, Tổng công ty lớn đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công thương đang thực hiện tổng hợp tiếp thu các ý kiến, đề xuất, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính Phủ các nội dung đề xuất sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, dự thảo đề xuất tập trung vào 5 nhóm nội dung chính, giải quyết những bất cập hiện nay đồng thời giúp thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong giai đoạn tới.

Nhóm 1: Nhóm chính sách liên quan đến quản lý năng lượng

Xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng; bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Quy định chi tiết hơn (bắt buộc) về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải.

Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương.

Nhóm 2: Nhóm chính sách liên quan đến công ty tư vấn dịch vụ năng lượng và mạng lưới đơn vị tư vấn dịch vụ năng lượng

Nghiên cứu, đề xuất các quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh đối với tổ chức hành nghề kiểm toán năng lượng theo quy định Luật Đầu tư kinh doanh 2020.

Nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ và hình thành hệ thống các Công ty dịch vụ năng lượng

Nhóm 3: Xây dựng hành lang pháp lý, phát triển các công cụ thị trường tiết kiệm năng lượng

Bổ sung mô hình Quỹ hỗ trợ các hoạt động của công ty Công ty dịch vụ năng lượng, nghiên cứu các công cụ tài chính như bảo lãnh vốn, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp thực hiện ….

Nghiên cứu đề xuất các công cụ tài chính hỗ trợ hoạt động thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn,…

Nghiên cứu xây dựng các cơ sở pháp lý hỗ trợ hoạt động dịch vụ năng lượng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nhóm 4: Nhóm vấn đề liên quan đến quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện thiết bị trên thị trường

Rà soát, nghiên cứu cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao hơn có tính định hướng thị trường, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất thấp.

Nhóm 5: Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sửa đổi hoặc bổ sung các quy định pháp luật liên quan liên quan đến hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn bao gồm đào tạo lần đầu, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao… cho các tổ chức, cá nhân tư vấn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, lực lượng kiểm toán viên năng lượng và cán bộ quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng.

Xây dựng mạng lưới liên kết chuyên gia, tổ chức đào tạo và doanh nghiệp, để phát huy nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức/doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai hoạt động tại địa phương.

Tham khảo kinh nghiệm tại Thái Lan, Ấn Độ, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2022 của Việt Nam, Bộ Công thương đề xuất cần thiết sửa đổi hoặc bổ sung một điều liên quan đến hình thành công cụ tài chính hỗ trợ việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như “Quỹ phát triển năng lượng bền vững.

Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ giao cơ quan thẩm quyền (Ngân hàng nhà nước hoặc Bộ Tài chính) chủ trì nghiên cứu. Nếu đề xuất sửa Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Quỹ cần được triển khai vận hành thí điểm để đánh giá tính hiệu quả trước khi triển khai nhân rộng.