Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sự việc Công ty Bắc Hà xin dừng hoạt động đối với năm tuyến xe buýt là chưa có tiền lệ, do đó cần phải có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, hợp đồng đã ký kết cũng như duy trì hoạt động của các tuyến buýt nhằm tránh xáo trộn và có giải pháp hài hòa ổn định cuộc sống cho khoảng 200 lao động có nguy cơ mất việc làm do Công ty Bắc Hà dừng thực hiện hợp đồng.
Việc Công ty Bắc Hà dừng hoạt động năm tuyến buýt là do doanh nghiệp không còn năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện, trong khi việc thanh toán từ đơn vị chức năng đã thực hiện đầy đủ, cũng như tạm ứng theo hợp đồng đã ký. Việc Công ty Bắc Hà đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi thời gian hợp đồng còn hiệu lực là vi phạm hợp đồng đã ký.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất hai phương án xử lý nhằm duy trì hoạt động của các tuyến buýt, tránh xáo trộn và có giải pháp ổn định cuộc sống cho khoảng 200 lao động có nguy cơ mất việc.
Cụ thể, phương án 1 là chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành năm tuyến buýt (giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).
Phương án 2 là chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với năm tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Cả hai phương án trên đều phải tiến hành thủ tục trình Ủy ban nhân dân thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà để xem xét phương án lựa chọn đơn vị thực hiện phân khối lượng còn lại.
Phương án 1 có ưu điểm là thay thế, lựa chọn ngay được nhà thầu để thực hiện khối lượng còn lại, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại của người dân, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm đối với đơn vị được chỉ định thay thế. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là nhà thầu được lựa chọn thay thế thực hiện có ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.
Phương án 2 có ưu điểm không bị áp lực về thời gian khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhưng lại phải tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trong khoảng thời gian nhất định (từ sáu đến chín tháng) để tổ chức lựa chọn nhà thầu khác. Việc vận hành tuyến không liên tục gây xáo trộn trong hoạt động đi lại của người dân, khó khăn cho việc kế thừa lao động, người lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hành khách đi lại thường xuyên trên các tuyến cũ sẽ phải chuyển từ hai đến ba chuyến, thời gian di chuyển sẽ phải kéo dài (có thể hành khách sẽ chuyển qua sử dụng phương tiện cá nhân).
Đồng thời, với phương án 2, cơ quan quản lý sẽ phải xây dựng phương án điều chỉnh các tuyến buýt khác hỗ trợ cho năm tuyến buýt trong thời gian tạm ngừng hoạt động, việc điều chỉnh các tuyến buýt hỗ trợ cũng sẽ phát sinh thêm chi phí, gây xáo trộn luồng tuyến.