Đề xuất các giải pháp đột phá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030

NDO - Dự thảo Đề cương Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương tổ chức vào tháng 5/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp.

Ngày 20/3/2024, Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế-xã hội chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã họp phiên đầu tiên với mục tiêu góp ý cho dự thảo Đề cương Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 (Báo cáo Kinh tế-xã hội).

Khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập nhấn mạnh yêu cầu phải đánh giá, nhận định thật đúng, thật sát thực trạng phát triển, dự báo chính xác tình hình, đồng thời đề xuất được các giải pháp đột phá để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 (Chiến lược) trong bối cảnh giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, thách thức.

Dự thảo Đề cương Báo cáo được xin ý kiến gồm 3 phần: Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; tổ chức thực hiện.

Trong đó, phần đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược gồm các nội dung: Tổ chức thực hiện Chiến lược; kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém; đánh giá tổng quát, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Phần thứ hai của Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 dự kiến gồm các nội dung: Dự báo bối cảnh, tình hình; quan điểm phát triển; mục tiêu phát triển; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Tại phiên họp, các ý kiến thảo luận của các thành viên Tổ Biên tập đánh giá dự thảo Đề cương Báo cáo về cơ bản đã bao quát khá toàn diện, đầy đủ các vấn đề về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thông qua thảo luận, các đại biểu cũng góp ý bổ sung thêm các nhận định, đánh giá tình hình và đề xuất phương hướng, giải pháp chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực cũng như đối với các vấn đề tổng thể chung của đất nước, thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra.

Kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập giao bộ phận Thường trực Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến của các thành viên để hoàn thiện dự thảo Đề cương Báo cáo và chuẩn bị trình Tiểu ban Kinh tế-xã hội, trình Bộ Chính trị.

Theo kế hoạch, dự thảo Đề cương sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương tổ chức vào tháng 5/2024. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua Đề cương, Tổ Biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc để xây dựng dự thảo Báo cáo, trình Tiểu ban Kinh tế-xã hội.

Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế-xã hội được thành lập theo Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban. Tổ Biên tập có nhiệm vụ giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế-xã hội, một trong năm Tiểu ban được thành lập nhằm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Nhiệm vụ trọng tâm của Tổ Biên tập là tham mưu cho Tiểu ban Kinh tế-xã hội xây dựng Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030, trình Tiểu ban thông qua để trình Đại hội Đảng.

Tổ Biên tập gồm 63 thành viên là đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân của 9 địa phương trên các vùng và các đồng chí là lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ, Viện của các cơ quan trung ương.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phân công làm Tổ trưởng Tổ Biên tập.