Để vòng xòe Thái mãi lan xa

Dù đã ngoài 90, tiếng khèn của nghệ nhân Lò Văn Biến (trong ảnh) ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) vang lên vẫn đầy truyền cảm, lôi cuốn người nghe, góp phần giữ gìn, truyền dạy nghệ thuật xòe Thái tới mai sau.
0:00 / 0:00
0:00
Để vòng xòe Thái mãi lan xa

Trên ngôi nhà sàn đang cùng trò chuyện với khách, ông cầm cây khèn bè Thái, rồi pí (sáo) thổi những điệu khi réo rắt, lúc nỉ non, như đưa cả hồn mình vào các điệu dân ca ấy. Ông bảo, là đàn ông, muốn được phụ nữ Thái mến phải biết thổi pí, thổi khèn giỏi.

Cái âm trầm, âm bổng ngoài chức năng tỏ tình tuyệt vời thay lời nói với người con gái mình yêu, nó còn thổi đệm cho người khắp (hát đối đáp) như: Khắp sài peng (hát tình tự); khắp páy căn (hát chia tay); khắp chiêu (hò); khắp lồng tồng (hát xuống đồng); khắp báo sao (hát giao duyên)... Vậy nên, chiếc khèn bè, pí trở thành biểu tượng độc đáo trong nghệ thuật có một không hai của đồng bào Thái trong vùng.

Yêu cái chữ, yêu quê hương và mong muốn gìn giữ tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái dần bị mai một qua thời gian, ông Lò Văn Biến ngày ngày sưu tầm sách cổ từ các thầy mo già, người đầu dòng họ ở khắp vùng Mường Lò. Có sách cổ, ông dịch ra tiếng Việt cho mọi người hiểu, như “Nhá Phay” là lễ thôi sưởi lửa của phụ nữ Thái đen sau khi sinh, là lễ cúng vía đầu tiên trong đời của người Thái đen; “Tám Khuôn Khoái”; là lễ cúng vía trâu của người Thái.

Sáu điệu xòe cổ mà ông có công sưu tầm, truyền dạy gồm: Khắm khen (Nắm tay nhau), Ðổn hôn (Bước tiến lùi), Phá xí (Bố bốn), Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu) và Ỏm lọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn) được coi là tinh hoa của nghệ thuật xòe Thái. Năm 2015, nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những điệu xòe cổ được sắp xếp theo tuần tự ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của người Thái, thể hiện qua các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng.

Không chỉ là nghệ nhân biểu diễn, ông còn là người thầy nhiệt thành để dạy cho học sinh, sinh viên ở các lớp văn hóa nghệ thuật và cao đẳng trong tỉnh. Ông truyền dạy cách thổi khèn bè, thổi pí pặp, pí thiu, pí ló, diễn tấu đàn tính… góp phần lưu giữ các lễ hội truyền thống của người Thái Mường Lò như lễ hội Rằm tháng Giêng, hội Hạn khuống (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), Xên Mường… Nghệ nhân Lò Văn Biến được người dân nơi đây coi là “pho sử sống” hay “bách khoa toàn thư” về văn hóa Thái.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, Lương Mạnh Hà cho biết, để gìn giữ, phát huy giá trị của xòe Thái, ngoài việc tôn vinh các nghệ nhân ưu tú có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, truyền dạy nghệ thuật xòe Thái như Lò Văn Biến, Điêu Thị Xiêng, thị xã khuyến khích các hoạt động sáng tác về những nét đẹp của xòe Thái trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nghĩa Lộ, Mường Lò.

Thị xã cũng thực hiện truyền dạy và thực hành xòe Thái trong tất cả trường học, trong cộng đồng dân cư thông qua các đội văn nghệ quần chúng, các hội bảo tồn tri thức bản địa. Đến nay, tại 10 xã, bốn phường của thị xã có hơn 200 đội văn nghệ, thu hút hơn 2.000 diễn viên quần chúng tham gia. Tất cả 36 trường mầm non cùng các trường học đều có chương trình ngoại khóa về xòe Thái. Thị xã tiếp tục tổ chức các cuộc thi trình diễn xòe Thái, xây dựng các tiết mục trình diễn xòe trong các chương trình nghệ thuật quần chúng, đưa xòe Thái trở thành thương hiệu riêng tại các lễ hội trong năm, nhất là lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò tổ chức hằng năm.

Người Nghĩa Lộ tự hào rằng nơi đây không ai không biết xòe. Những điệu xòe được trao truyền từ thế hệ trước tới thế hệ sau, không kể già, trẻ, gái, trai, không kể là người dân tộc nào, chỉ cần yêu mảnh đất và con người Nghĩa Lộ- Mường Lò, tay trong tay hòa cùng nhịp trống, chiêng cũng có thể đắm say trong những điệu xòe bất tận. Đó cũng chính là sức sống mãnh liệt của xòe Thái trong cuộc sống của người dân nơi đây.