Để khoa học cơ bản gần gũi hơn với đời sống

NDO - Không chỉ năm nay mà liên tục mấy năm gần đây, công tác tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản ngày càng trở nên khó khăn. Dù các cơ sở giáo dục không ngừng xoay xở tìm giải pháp để thu hút thí sinh, nhưng kết quả vẫn chưa mấy khả quan. Nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng người học không mặn mà.
0:00 / 0:00
0:00
Một gian thí nghiệm thú vị thu hút nhiều sự chú ý của nhiều người tại sự kiện Science Tornado 2023. Ảnh | Khánh Chi
Một gian thí nghiệm thú vị thu hút nhiều sự chú ý của nhiều người tại sự kiện Science Tornado 2023. Ảnh | Khánh Chi

Gieo mầm tình yêu khoa học

Hàng chục năm nay, cộng đồng học sinh phổ thông trên toàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận có một sân chơi khoa học khá lý thú. Chính thức thành lập năm 2014, Câu lạc bộ Khoa học mở (Society Of Open Science) do thầy và trò Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam khởi xướng, mỗi năm lại có thêm nhiều sáng kiến, nhiều hoạt động tích cực để duy trì và bồi đắp sân chơi ngày một thú vị hơn. Từ môi trường này, học sinh hứng thú hơn với lối tư duy sáng tạo, một cách truyền cảm hứng, niềm đam mê với khoa học.

Science Tornado (Cơn lốc khoa học) là tên một chuỗi hoạt động khoa học của câu lạc bộ được tổ chức thường niên từ ngày thành lập. Sự kiện đáng chú ý nhất, được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng là triển lãm giới thiệu sản phẩm khoa học của các thành viên câu lạc bộ. Năm nay triển lãm có chủ đề X-Giới hạn, diễn ra trong hai ngày, đông đảo người tham dự nhận xét hoạt động chất lượng, và cũng được các thành viên thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn. Sau hai ngày tổ chức, triển lãm thu hút hơn 7.000 người tham dự. Hơn 80 thí nghiệm, sản phẩm ứng dụng của thành viên câu lạc bộ ra mắt tại sự kiện này đã hấp dẫn người xem, đặc biệt như sản phẩm Máy in 3d, kính thực tế ảo, dụng cụ theo dõi năng lượng mặt trời Solar tracker, robot vượt chướng ngại vật...Trần Việt Thành, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho biết, cậu hứng thú theo đuổi với năng lượng mặt trời bởi khám phá nhiều điều thú vị, có tính ứng dụng cao, có thể tiết kiệm năng lượng ở mức tối ưu nhất, bảo vệ môi trường tốt hơn... Sự kiện này đã tạo ra sức hút lớn không chỉ đối với học sinh mà còn đông đảo phụ huynh tham dự. Phụ huynh đến để xem con em mình làm được gì, sức sáng tạo, đam mê nghiên cứu đến đâu. Từ kiến thức vật lý, hóa học được học trong chương trình nhà trường, các em đã nghiên cứu sẽ tạo ra được những sản phẩm công nghệ mang tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực y tế, phát triển năng lượng bền vững, khoa học vũ trụ... Để thấy, khoa học luôn lý thú, hiện hữu trong mọi mặt của đời sống và luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ...

Người học quay lưng với ngành khoa học tự nhiên?

Thời gian gần đây, số liệu từ các kỳ tuyển sinh đại học cho thấy, xu hướng thí sinh đăng ký chọn môn tổ hợp Khoa học Tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) ngày càng ít dần, đặc biệt từ sau năm 2017, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa bài thi tự chọn vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Năm nay, số thí sinh đăng ký tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên chỉ chiếm khoảng 31,52% tổng số dự thi. Con số tương tự của các năm trước đó là 31,94%, 32,9%. Tỷ lệ dự thi thấp, điểm xét tuyển thấp, nhưng dù xét tuyển bổ sung thì các trường đại học mã ngành khoa học cơ bản vẫn thiếu chỉ tiêu, thậm chí có ngành học phải đóng cửa vì không có sinh viên.

Để khoa học cơ bản gần gũi hơn với đời sống ảnh 1
Giảng viên khoa Khí tượng, thủy văn và Hải dương học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) giới thiệu về các ngành học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023.

Việc ít thí sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên không chỉ ảnh hưởng đến khối ngành kỹ thuật mà còn nhiều ngành khác xét tuyển các môn thi trong tổ hợp, thí dụ như khối ngành sức khỏe như y dược, y học cộng đồng, kỹ thuật y sinh... dù là ngành hot nhưng năm nay cũng có nhiều trường xét tuyển bổ sung.

Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong kỳ tuyển sinh 2023, có ba ngành khoa học cơ bản tuyển sinh và chất lượng đầu vào thấp như ngành Địa chất có 30 chỉ tiêu nhưng chỉ mới vỏn vẹn 5 hồ sơ nhập học. Ngành Tài nguyên và môi trường nước, ngành Hải dương học cũng ở tình trạng tương tự...

Lý giải thực trạng trên, cô giáo Lương Thùy Dương, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho rằng, chương trình học cấp trung học cơ sở hiện nay chú trọng Toán, Văn, Anh quá nhiều, khiến các môn tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh bị sao nhãng, dẫn đến tình trạng phổ biến không vững kiến thức gốc, và sẽ càng khó khăn hơn để “theo” kịp chương trình. Điều này dẫn đến thực tế khi chọn phân ban cấp trung học phổ thông, rồi chọn môn thi tổ hợp tốt nghiệp THPT, học sinh thường chọn phương án an toàn, “né” tổ hợp khoa học tự nhiên.

Nỗ lực thu hút người học

Khó tuyển sinh ở các ngành khoa học cơ bản, dù nhiều trường đưa ra các giải pháp như miễn, giảm học phí xuống mức thấp nhất, hỗ trợ đầu ra, nhưng thí sinh vẫn quay lưng. Là giáo viên dạy Lý Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa học mở, cô Lương Thùy Dương luôn tìm cách đưa kiến thức trong chương trình học để giải thích các sự việc hiện tượng diễn ra trong cuộc sống, vận dụng kiến thức vào thực tế. Câu lạc bộ Khoa học mở là tâm huyết của nhà trường nhằm lan tỏa tình yêu khoa học cho thế hệ trẻ. Học trò của cô, em Nguyễn Khắc Nhật Minh, đang học lớp chuyên Lý, tuy nhiên, khi được hỏi lựa chọn ngành thì chỉ cười...

Một thực tế, nhiều học trò của cô Dương tốt nghiệp THPT, ngoài nỗ lực trau dồi ngoại ngữ cùng thành tích học tập, tham gia hoạt động cộng đồng để đáp ứng tiêu chí “săn” học bổng du học, rồi ở lại xứ người, không ít trường hợp tốt nghiệp đại học công lập chính quy trường top ra trường có việc làm ngay, thường giãi bày tâm tư, so với mặt bằng chung thu nhập thấp, môi trường làm việc thiếu tính cạnh tranh, thiếu sức hút... khó để người lao động yên tâm, hài lòng với công việc.

Để khoa học cơ bản gần gũi hơn với đời sống ảnh 2
Sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) quảng bá cho nhà trường tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023.

Có sự mất cân bằng trong nhu cầu việc làm, nhu cầu nhân sự với công tác đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực trong cơ chế vận hành chung hiện nay. Những giải pháp xoay xở khắc phục đã và đang đưa ra nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều. Để thu hút người học vào những ngành khoa học cơ bản, hai trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã linh hoạt đưa ra những giải pháp căn cơ. Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2022-2023 đã triển khai gói học bổng “Thu hút tài năng” cho 9 ngành khoa học cơ bản, trong đó áp dụng nhiều ưu đãi đặc thù như miễn học phí, miễn chỗ ở nội trú, hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác... Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra giải pháp thu hút người học có phần hấp dẫn hơn khi vẫn duy trì gói học bổng hai tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần (100% học phí) và bán phần (50% học phí) cho năm học đầu tiên dành cho thí sinh trúng tuyển đạt số điểm cao vào 7 ngành/nhóm ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngoài giải pháp hỗ trợ tài chính, sinh hoạt phí, giải pháp lâu dài và quan trọng hơn là đổi mới và tích hợp chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng hơn; đồng thời tích cực tổ chức các hội thảo hướng nghiệp, kết nối nhà tuyển dụng, đào tạo gắn với vị trí việc làm cụ thể và nhu cầu nhân lực của xã hội. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác truyền thông cũng là điều cần thiết và không kém phần quan trọng...