Đe dọa mạng sống
Một thực tế đang tồn tại ở hầu hết các khu chung cư cũ hay còn gọi là các khu nhà tập thể, đó là người dân từ tầng hai trở lên cơi nới thêm diện tích bằng các vật liệu như: rào sắt, thanh ngang, tấm tôn lợp... được hàn lại với nhau tạo thành các khoảng không gian mà người dân vẫn quen gọi là “chuồng cọp”. Ghi nhận thực tế tại các khu tập thể cũ ở Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội); Giảng Võ, Thành Công, Vạn Bảo (quận Ba Đình, Hà Nội); Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội); Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) các “chuồng cọp” mọc lên chi chít, có gia đình còn dựng tới ba “chuồng cọp’’, chiếm dụng triệt để không gian bên ngoài.
Tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, hầu hết các căn nhà đều có thêm diện tích là nhờ cơi nới. Bà Huyền (64 tuổi) sinh sống tại đây cho biết: “Diện tích ban đầu của nhà tôi là 38 m2 nhưng sau này khi gia đình có thêm nhân khẩu, bắt buộc phải nhờ thợ đến cơi nới mới đủ để sinh hoạt”. Diện tích nhà bà Huyền hiện nay đã lên tới 46 m2. Tại khu tập thể Thành Công, nhiều nhà dân lấn chiếm khoảng không để làm “chuồng cọp”, làm công trình cơi nới sát với cột điện, đường dây điện, thậm chí có những hộ làm “chuồng cọp” ngay sát đường điện cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều người dân tỏ ra khá thờ ơ, thậm chí cho rằng, việc làm “chuồng cọp” không nguy hiểm gì, chủ yếu do ý thức trong quá trình sinh sống, nếu cẩn thận thì sẽ không có gì xảy ra !?
Nhiều năm qua, chuyện làm “chuồng cọp”, “lồng chim” ở nhà tập thể đã trở thành một căn bệnh “mãn tính” phổ biến ở hầu hết các khu đô thị lớn. Điều đặc biệt nguy hiểm chính là phần diện tích cơi nới này đang trở thành mối hiểm họa khi xảy ra cháy. Nhiều gia đình khi mở rộng diện tích vì lo ngại bị trộm đột nhập cho nên đã thiết kế thành những chiếc lồng sắt bịt kín theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Vụ cháy xảy ra vào tháng 7-2017 tại phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), khiến hai người chết cũng bởi ban công đã bị bịt bằng lồng sắt, không có cửa thoát hiểm. Tương tự, vụ cháy nhà dân ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, khiến hai người chết cũng do việc bịt ban công bằng lồng sắt. Khi có sự cố chập điện, các vật liệu dễ cháy từ khu “chuồng cọp” sẽ dễ dàng bắt lửa, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) rất khó tiếp cận cứu người khi phần diện tích ban công đã bị chặn, chỉ còn lối thoát hiểm là cầu thang bộ. Trong khi đó, kết cấu cầu thang của các tòa nhà tại khu tập thể hầu hết đều chật hẹp, chiều rộng khoảng 1,2 m, sẽ khó để tất cả mọi người trong tòa nhà cùng thoát nạn, đồng thời gây khó cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, mặc dù sinh sống trong những khu tập thể cũ, không có hệ thống PCCC, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, nhưng nhiều hộ dân tại khu tập thể vẫn bàng quan với vấn đề PCCC. Nhiều người dân được hỏi đều có chung câu trả lời là “chưa có biện pháp gì để PCCC”!
Tìm biện pháp mở lối thoát hiểm
“Chuồng cọp” gần như đã trở thành một phần “tất yếu” của các khu nhà tập thể cũ. Đến nay, cơ quan chức năng chưa có phương án xử lý triệt để hàng chục nghìn “chuồng cọp”, lồng sắt ban công đang tồn tại. Theo đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, phần lớn các nhà tập thể cũ đều thiếu điều kiện bảo đảm an toàn PCCC. Thêm vào đó, người dân tự ý gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công… khiến cho khi có cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn, mất nhiều thời gian để phá “chuồng cọp”, cắt khóa cửa... dẫn tới tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ chưa kịp thời, dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội tổ chức các đợt ra quân trên nhiều địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân tại các khu tập thể cũ trổ các lối thoát hiểm ở các “chuồng cọp”, “lồng chim”. Đầu năm nay, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 phối hợp UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Tân kiểm tra, rà soát các khu nhà tập thể cũ tại phường Nghĩa Tân, thí điểm tại khu nhà tập thể A12. Trong quá trình kiểm tra, cảnh sát PCCC đã tới các hộ, tổ dân phố động viên, khuyến khích người dân mở cửa thoát hiểm tại các “chuồng cọp”.
Tính đến thời điểm hiện tại, gần 100% số hộ dân sinh sống trong khu nhà tập thể A12 đồng tình trổ cửa tại khu vực “chuồng cọp” làm lối thoát nạn dự phòng. Kích thước cửa tối thiểu là 0,6x0,8 m, tùy theo điều kiện thực tế từng căn hộ có thể to hơn. Tại khu tập thể cũ ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội), cuối tháng 12-2017, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đã vận động người dân tự tháo bỏ những phần diện tích cơi nới gây nguy hiểm, lắp thêm cửa thoát hiểm.
Phòng Cảnh sát PCCC số 4 cũng đã chủ động tham mưu, lập báo cáo để UBND quận Long Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ một số lồng sắt trên ban công gây nguy hiểm đến an toàn PCCC. Tính đến tháng 12-2017 vừa qua, lực lượng chức năng quận Long Biên đã vận động, tháo dỡ, mở lối thoát hiểm tại 34 trong số 37 lồng sắt của các hộ dân tự ý hàn, lắp.
Có thể thấy, cách làm nêu trên đang rất cần sự chung tay với tinh thần trách nhiệm cao, sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền các cấp, tại cộng đồng dân cư và ngay tại mỗi gia đình, giúp hạn chế hậu quả từ những sự cố cháy, nổ.