Để cây sầu riêng Bình Phước phát triển bền vững

Bình Phước là một trong những tỉnh được cấp nhiều mã vùng trồng cây công nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có cây sầu riêng, đây là cơ hội làm giàu cho người nông dân. Tuy nhiên, ít tháng trở lại đây, nhiều diện tích cây trồng chết khô chưa rõ nguyên nhân, khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên.
0:00 / 0:00
0:00
Một số vườn sầu riêng chết bất thường ở huyện Bù Đăng.
Một số vườn sầu riêng chết bất thường ở huyện Bù Đăng.

Nhiều cơ hội làm giàu cho nhà nông

Theo thống kê Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, tỉnh vừa có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65 mã số với diện tích 2.412 ha, xếp vị trí thứ tư cả nước về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng. 27 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước vừa được cấp phép với diện tích 701,5 ha, sản lượng 14.030 tấn. Các địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn, gồm: huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%, Ri6 31%, Chín Hóa 5%, giống khác 4,3%.

Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh tiến hành định kỳ sáu tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu, nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Có 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tỉnh đã xây dựng được 31 chuỗi liên kết trồng sầu riêng, trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh. Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, mỗi héc-ta sầu riêng sau khi trừ hết chi phí, nhà nông thu hơn 500 triệu đồng/năm.

Để thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh đã ban hành công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và sử dụng mã số vùng trồng của các tổ chức, cá nhân đúng quy định.

Sớm có giải pháp hỗ trợ nông dân

Khoảng hai tháng trở lại đây, nhiều diện tích cây sầu riêng trên địa bàn xã Đường 10, huyện Bù Đăng đang xanh tốt bỗng dưng xuất hiện tình trạng vàng, rụng lá, khô cành và chết không rõ nguyên nhân đã gây thiệt hại nặng về kinh tế. Trước tình trạng nêu trên, nhiều hộ dân đã tìm mọi cách để cứu chữa cây trồng rất nhiều tốn kém, tuy nhiên cây sầu riêng vẫn chưa có dấu hiệu giảm bệnh, khiến các hộ dân vô cùng lo lắng.

Tại vườn sầu riêng 7 năm tuổi, rộng gần 4 ha của gia đình anh Vũ Xuân Hợp (ở thôn 5, xã Đường 10) có nhiều cây lá bị vàng, héo, rễ cây bị thâm xanh, thân bị xì mủ, cây suy kiệt nhanh và thiếu sức sống. Anh Vũ Xuân Hợp cho biết, quy trình tưới, chăm sóc vườn cây của gia đình anh lâu nay vẫn không có gì thay đổi, thế nhưng ít tháng gần đây vườn sầu riêng đã có 60 cây bị chết và suy kiệt dù đã tìm đủ mọi cách cứu chữa. Tạm tính số cây suy kiệt và chết, thiệt hại mỗi năm mất 6 tấn quả, giá trung bình khoảng 70.000 đồng/kg, nông dân mất hơn 400 triệu đồng.

Cách vườn anh Hợp không xa, anh Đặng Văn Thái cũng phải lần lượt cưa bỏ những cây sầu riêng bị chết khô. Biểu hiện của bệnh là cây bắt đầu chết từ những nhánh nhỏ, đến nhánh lớn và rồi cuối cùng là đến thân. Anh Thái cho biết: Năm trước, vườn sầu riêng rộng 2 ha này mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 1 tỷ đồng, thế nhưng khoảng một tháng trở lại đây, cây sầu riêng trong vườn bỗng dưng chết hàng loạt, ban đầu chỉ một vài cây, đến nay đã lên tới 34 cây.

Theo thống kê, năm 2023 trên địa bàn xã Đường 10 có hơn 150 hộ trồng sầu riêng, với diện tích khoảng 200 ha. Con số này đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây vì sầu riêng đang là cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Tình trạng cây sầu riêng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân đã khiến nhiều hộ dân hết sức lo lắng, chính quyền địa phương đang vận động người dân tiêu hủy cây sầu riêng bị chết để tránh lây lan ra diện rộng, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để kịp thời cứu chữa vườn cây cho người dân.

Qua tìm hiểu được biết, do giá sầu riêng một vài năm gần đây tăng cao cho nên người dân tập trung chăm sóc vườn cây, cùng với đó là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Đối với các hộ trồng sầu riêng, trung bình 10 ngày phun thuốc một lần; khi phát hiện cây bị bệnh, tần suất phun thuốc có thể tăng lên gấp từ 2 đến 3 lần. Theo tính toán của các hộ dân, 1 ha sầu riêng trưởng thành mỗi năm chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật lên tới hơn 130 triệu đồng. Một hộ dân cho biết, với 2 ha sầu riêng đang thời kỳ cho quả thì cứ một năm chi phí khoảng 260 triệu đồng tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật; nếu tính ra phi chứa loại 200 lít, thì một năm phun 500 phi. Đối với những vườn cây bị bệnh, người dân thường pha thuốc bảo vệ thực vật với nước đổ trực tiếp lên gốc.

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định: mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh sản phẩm; xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.

Do đó, ngành chức năng cần có giải pháp kiểm tra tình trạng cây sầu riêng và một số cây trồng khác chết bất thường vì lý do gì, trên cơ sở đó định hướng cho nông dân trồng và chăm sóc cây trồng theo hướng sạch và bền vững.