Đẩy nhanh thi công các công trình đầu tư công

Đến thời điểm này, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại một số địa phương ở Tây Nam Bộ vẫn còn chậm. Nhiều địa phương đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm đưa các công trình, dự án trọng điểm vào sử dụng, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Công trình nâng cấp, cải tạo Trường trung học phổ thông Phạm Thái Bường, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) kịp thời hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025.
Công trình nâng cấp, cải tạo Trường trung học phổ thông Phạm Thái Bường, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) kịp thời hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới 2024-2025.

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra giải pháp và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi công trình, dự án bị ách tắc…

Giải ngân nơi thấp, nơi cao

Công trình Trường trung học cơ sở Trà Côn, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long được đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia với quy mô 14 phòng học cùng các phòng chuyên môn, phục vụ cho khoảng 600 em học sinh, có tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng.

Được triển khai thực hiện từ năm 2023 nhưng đến nay công trình chỉ mới đạt 51% khối lượng và giải ngân chỉ đạt 41% so với kế hoạch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Ôn Nguyễn Chí Hiếu cho biết, tiến độ một số công trình chuyển tiếp từ năm 2023 sang năm 2024 triển khai khá chậm do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, nguồn cung cấp cát san lấp mặt bằng khó khăn, một số dự án phát sinh khối lượng; vài dự án phải điều chỉnh danh mục thiết bị theo quy định dẫn đến phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Công trình sân vận động tỉnh Trà Vinh tại Phường 9, thành phố Trà Vinh có tổng kinh phí đầu tư hơn 110 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Khởi công từ tháng 12/2022, đến nay, các hạng mục công trình cơ bản đạt gần 100% khối lượng.

Dự kiến, cuối tháng 9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh lập đoàn kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Dự án đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định tại thành phố Mỹ Tho là công trình trọng điểm của tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương 1.350 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 650 tỷ đồng.

Dự kiến đến năm 2027, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp hoàn thiện kiến thiết hạ tầng giao thông thủy bộ, kết hợp chỉnh trang đô thị Mỹ Tho; kết nối Tiền Giang-Long An và khu vực các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Năm 2024, dự án này được giao kế hoạch vốn 32,6 tỷ đồng, đến ngày 20/9/2024, đã giải ngân đạt 100%.

Tính chung toàn tỉnh, năm 2024, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của Tiền Giang gần 6.200 tỷ đồng. Đến ngày 20/9/2024, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công hơn 4.240 tỷ đồng, đạt 68,6% kế hoạch.

Tại Đồng Tháp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2024 (kể cả vốn năm 2023 chuyển sang) gần 7.000 tỷ đồng. Đến ngày 31/8, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,54% kế hoạch của tỉnh và đạt 51,19% so với kế hoạch của Thủ tướng giao…

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Trà Vinh là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao so với khu vực cũng như cả nước. Năm 2022 và 2023, Trà Vinh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch.

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Trà Vinh hơn 5.061 tỷ đồng; đến tháng 9, địa phương đã giải ngân hơn 2.500 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2024, Trà Vinh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản để tạo động lực phấn đấu đạt 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã đề ra.

Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công của tỉnh Vĩnh Long còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ dự án chậm là do nhiều dự án lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đô thị thực hiện theo tuyến, có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, hộ dân bị ảnh hưởng nhiều, phải giải quyết khiếu nại của người dân…

Qua kiểm tra, giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo quyết liệt các dự án còn chậm; có giải pháp trong giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục đầu tư; phân công trách nhiệm thẩm quyền cho từng tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nhưng phải bảo đảm đúng thủ tục, chất lượng và thẩm mỹ của các công trình, dự án.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, để triển khai thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2024, tỉnh sẽ tiến hành điều chuyển vốn từ những công trình, dự án có khối lượng thấp sang các công trình, dự án có khối lượng cao, có nhu cầu bổ sung vốn trong năm.

Còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn đang vướng mắc của các dự án, công trình để phân loại nhằm đánh giá năng lực từng nhà thầu, xem xét mức độ hoàn thành từng dự án để có phương án thực hiện phù hợp.