Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, Malaysia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực ASEAN. Mối quan hệ thương mại Việt Nam-Malaysia còn nhiều dư địa đẩy mạnh hợp tác thương mại ở nhiều lĩnh vực như máy móc thiết bị; thực phẩm, đồ uống; nông sản, thủy sản, sản phẩm chăm sóc cá nhân...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2022 giữa 2 nước ước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ 2021. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng; máy vi tính; điện tử và linh kiện; sắt thép các loại...
Riêng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh 3 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Malaysia ước đạt 295 triệu USD, tăng 150% so cùng kỳ năm 2021. Tính đến quý I năm nay, Malaysia đã có 295 dự án đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn là 4,727 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) ở Malaysia, năm 2021 đã đạt 3,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào 2030. Hứa hẹn là một trong những ngành xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường Malaysia.
Ngoài ra, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD. Đây cũng được nhận định là thị trường khá “màu mỡ” cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 10,5 tỷ USD trong năm 2021.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nên có chứng nhận Halal, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối mậu dịch, quảng bá sản phẩm… Đồng thời, tập trung vào các mặt hàng mà Malaysia và các nước Hồi giáo đang cần như gạo, các mặt hàng nông sản… là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.