Đẩy mạnh truyền thông công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã

NDO - Sáng 11/7, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật xã hội Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Sở Thông tin-Truyền thông, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên và hơn 20 nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã cung cấp cho các nhà báo, phóng viên một bức tranh toàn diện về tình trạng buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã, ngà voi trên địa bàn cả nước và tỉnh Đắk Lắk.

Đẩy mạnh truyền thông công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã ảnh 1
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà báo, phóng viên thường trú trên địa bàn đến dự.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng cơ quan chức năng trên cả nước vẫn tiếp tục nỗ lực đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã và xử lý hiệu quả các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự có đối tượng bị bắt giữ vẫn tiếp tục gia tăng, tỷ lệ số vụ án được đưa ra xét xử cũng đạt ở mức đáng kể. Đặc biệt, một số đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh, thích đáng, tạo sự răn đe và phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia đóng vai trò chính trong hoạt động buôn bán và tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp. Các mạng lưới tội phạm người Việt Nam đã nhập lậu hàng tấn ngà voi để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam và trung chuyển đến những quốc gia khác ở châu Á.

Với sự nỗ lực của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, các cơ quan chức năng đã tịch thu hoặc tiếp nhận chuyển giao 287 cá thể động vật hoang dã còn sống, bao gồm 24 cá thể khỉ, 9 cá thể gấu ngựa, 12 cá thể hổ, 81 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt cũng như nhiều loại động vật hoang dã khác.

Số liệu thống kê của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, chỉ trong quý I/2022, cả nước có 808 vụ vi phạm về động vật hoang dã, trong đó có 46 vụ buôn lậu, vận chuyển, buôn bán lớn động vật hoang dã; 588 vụ buôn bán và quảng cáo động vật hoang dã; 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép và 29 vụ săn bắt động vật hoang dã trái phép…

Cũng trong thời gian này, có 482 quảng cáo động vật hoang dã trên mạng xã hội đã được các ngành chức năng xử lý, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm; có 22 hội, nhóm buôn bán động vật hoang dã trên internet với 61.508 thành viên đã bị xóa bỏ.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thông tin, tỉnh Đắk Lắk là một trong những điểm nóng về tình trạng mua, bán lẻ các sản phẩm ngà voi. Với đặc thù là nơi phân bố của quần thể voi lớn nhất của Việt Nam và thường tổ chức các hoạt động du lịch gắn liền với voi nên khách du lịch Việt Nam và châu Á có xu hướng mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại đây mà không biết đến những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra nếu thực hiện hoạt động này. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu nâng cao nhận thức của người dân và du khách để có thể ngăn chặn, giảm thiểu các vi phạm liên quan đến voi và ngà voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đẩy mạnh truyền thông công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã ảnh 2
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thông tin về hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã và ngà voi ở Việt Nam tại buổi tọa đàm.

Còn thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong tháng 3 và tháng 4/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh thì phát hiện 7 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm liên quan đến các động vật hoang dã, nhất là các sản phẩm liên quan đến voi, các cơ sở còn lại kinh doanh nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 2,168 tỷ đồng.

Đẩy mạnh truyền thông công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã ảnh 3
Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin về công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh các sản phẩm từ động vật hoang dã và ngà voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trước tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và ngà voi có chiều hướng gia tăng, ngày 30/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 4390/UBND-NNMT, về việc triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp từ ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Hiện nay, các sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nhất là công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Tại buổi tọa đàm, các nhà báo, phóng viên đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những thông tin về hoạt động mua bán, sử dụng các sản phẩm từ ngà voi và các động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong quá trình công tác, tác nghiệp của mình. Đồng thời đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của báo chí trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã, góp phần cùng với các cấp, các ngành nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã và loài voi của Việt Nam.