Hội nghị do các đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước và Nguyễn Văn Hồng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.
Ưu tiên đầu tư vốn tín dụng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò quan trọng, được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, cũng như có các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát vùng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
“Về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản. Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, các dịch vụ tài chính, ngân hàng an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang cho biết: Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế thị trường, ngay đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023, hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay; thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.
15 nghìn tỷ đồng triển khai cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản
Kết quả, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản - là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.
“Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với hai ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện”, bà Hà Thu Giang nhận định.
Gỡ vướng từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp
Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và toàn quốc nói chung.
“Tuy nhiên, với kết quả thực tế năm nay tăng trưởng tín dụng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến nay mới đạt 5,35%, thấp hơn mức chung của cả nước (5,56%) trong khi mọi năm tín dụng của vùng này luôn tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước, đã cho thấy sự khó khăn, vướng mắc, cần phải được nhận diện để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp đã thẳng thắn phản ánh khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng để cùng nhau tháo gỡ.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Lộc Vân (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, hiện Công ty đang vay vốn từ ngân hàng với lãi suất dao động từ 7,3%-9%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
“Mặc dù mức lãi suất này cũng đã giảm so với đầu năm 2023, tuy nhiên so với năm 2021 thì mức lãi suất này vẫn ở mức cao (từ 5,5%-6%). Trong tình hình khó khăn hiện tại việc tiết giảm chi phí vay sẽ góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Do vậy, Công ty Lộc Vân đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ thêm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần linh hoạt cơ chế cho vay theo thời vụ phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo. Cụ thể, tăng thu mua hàng hóa và vụ đông-xuân.
“Thực tế khi đề xuất ngân hàng tăng thêm vốn vay thì chưa được đáp ứng kịp thời, các khó khăn chủ yếu liên quan đến tài sản thế chấp ngoài bất động sản như hợp đồng kinh tế”, doanh nghiệp chia sẻ.
Theo bà Hà Thu Giang, có một thực tế cần nhìn nhận rằng việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức như: Hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới, sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi các đợt nước biển dâng, xâm nhập mặn và mưa lũ, sạt lở đất;
Nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất-thu mua-chế biến-xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông; Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế; Chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công-tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng;
Nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng; Bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường...
Bà Hà Thu Giang báo cáo tại Hội nghị. |
Từ tình hình thực tế nêu trên, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết: để góp phần đẩy mạnh sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể: tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Tích cực triển khai cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn...