Theo báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ, trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục duy trì là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản.
Theo đó, các nhà khoa học đã công bố 4.043 công trình công bố quốc tế, trong đó có 3.238 công bố thuộc danh mục SCI-E. Để tăng cường chất lượng các công bố quốc tế, năm 2022, Viện đã đổi mới phương pháp tính thành tích công bố, và theo cách tính mới này, số lượng các công trình công bố chất lượng cao đạt 79,4% tổng số công trình công bố quốc tế.
Năm 2022 là năm đầu tiên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức đánh giá, xác định các công trình công bố xuất sắc trong năm cho các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Viện đã lựa chọn được 5 công trình công bố xuất sắc theo các lĩnh vực Toán học- Công nghệ thông tin, Cơ học-Vật lý-Công nghệ Vũ trụ, Khoa học Vật liệu, Khoa học Biển, Môi trường-Năng lượng.
Giai đoạn này, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến triển khai các nghiên cứu thực địa nhưng với nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, hệ thống 140 đài trạm quan trắc các yếu tố môi trường tự nhiên vẫn được duy trì hoạt động ổn định.
Các hoạt động điều tra cơ bản phát hiện được nhiều loài mới, thu thập được các mẫu có giá trị, từ đó cung cấp các dữ liệu quý để tiến hành các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng triển khai và cung cấp các luận chứng khoa học phục vụ công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội.
Tiêu biểu như xây dựng thành công hồ sơ Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng thuộc tỉnh Gia Lai; xây dựng cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát triển đàn voi hiện có tại tỉnh Quảng Nam, phục vụ cho xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo tồn Voi Việt Nam; chuyển giao các kết quả nghiên cứu diễn biến ngập lụt tại các huyện vùng ven biển lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cho UBND tỉnh Quảng Nam phục vụ công tác cảnh báo thiên tai.
Các nhà khoa học đã làm chủ được nhiều công nghệ lõi và công nghệ tiên tiến như: Chỉnh sửa gen trên các đối tượng thực vật; tạo chủng vi-rút bằng kỹ thuật di truyền ngược; sản xuất vắc-xin tái tổ hợp trên thực vật; tạo tế bào gốc phục vụ điều trị cho người; giải mã gen thế hệ mới; chế tạo các loại vật liệu composite tính năng cao, vật liệu từ cứng, vật liệu chống cháy, nhựa sinh học; công nghệ dữ liệu lớn…
Công tác ứng dụng triển khai công nghệ cũng luôn được thúc đẩy trong giai đoạn vừa qua. Từ các kết quả nghiên cứu cơ bản, các đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai ứng dụng thử nghiệm tại các địa phương, được các địa phương tiếp nhận và chuyển giao cho các doanh nghiệp đưa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, Viện đã thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Công tác thực hiện chế độ, chính sách, nhất là việc triển khai thực hiện thăng hạng, nâng ngạch viên chức được quan tâm thực hiện hiệu quả. Đại diện Ban Tổ chức-Cán bộ và Kiểm tra của Viện cho biết, để nâng cao tiềm lực về cán bộ khoa học, Viện đã triển khai chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ vào công tác và đã lựa chọn được 34 cán bộ trẻ tham gia.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ, đến nay, Viện đã hỗ trợ 248 cán bộ trẻ, trong đó gồm 136 tiến sĩ, 97 thạc sĩ và 25 kỹ sư và cử nhân. Chương trình đã tạo điều kiện và động lực cho các cán bộ trẻ nâng cao kinh nghiệm hoạt động khoa học, trưởng thành hơn trong công tác nghiên cứu.
Công tác phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học; tạo mọi điều kiện cho các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến học tại các cơ sở đào tạo của Viện luôn được chú trọng. Trong giai đoạn tháng 6/2020 đến nay, công tác đào tạo do Học viện Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Toán học thực hiện, ngày càng nâng cao về số lượng học viên và các công trình công bố quốc tế do các học viên thực hiện.
Tính đến tháng 6/2023, Học viện Khoa học và Công nghệ đang đào tạo 803 học viên cao học và nghiên cứu sinh, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có 2.252 người học (gồm ba trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ). Trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đào tạo 172 tiến sĩ, 331 thạc sĩ và 356 cử nhân.
Các nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sĩ ở quãng thời gian này đều là tác giả của ít nhất một công trình công bố quốc tế; số lượng có từ hai công trình công bố quốc tế trở lên là 151 người, đạt tỷ lệ 87%. Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế nhằm mở rộng đối tác liên kết đào tạo cũng như thu hút các học viên quốc tế sang trao đổi, thực tập.
Đồng thời, Viện đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đạt trình độ quốc tế. Năm 2022 và 2023, đã có 15 nhóm nghiên cứu xuất sắc hình thành, được hỗ trợ hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay Viện vẫn còn một số tồn tại và thách thức, cần chú trọng để triển khai thực hiện tốt thời gian tới.
Trong bối cảnh số lượng công bố quốc tế có dấu hiệu đi ngang trong hai năm gần đây thì cần tiếp tục tăng cường chất lượng các công bố và có giải pháp để tăng hơn nữa số lượng công trình công bố. Cần chú trọng hơn đến các nghiên cứu cơ bản mang tính nền tảng và dài hạn.
Số lượng Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích trong hai năm 2021, 2022 có dấu hiệu chững lại và đi ngang, việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống còn hạn chế, chưa nhiều kết quả khoa học công nghệ có tầm ảnh hưởng mạnh đối với xã hội và tương xứng với một cơ sở khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước.
Việc thu hút cán bộ có kinh nghiệm và cán bộ trẻ và giỏi về Viện vẫn còn nhiều khó khăn do chế độ tiền lương thấp, không có biên chế để tuyển cán bộ.
Mặc dù kinh phí đầu tư phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có tăng trưởng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Một số vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoa học và công nghệ; văn bản quy định về đào tạo đại học, sau đại học; quy định về báo chí đã ảnh hưởng lớn đến công tác tăng cường tiềm lực trang thiết bị nghiên cứu, công tác giảng dạy của cán bộ nghiên cứu; quản lý các tạp chí khoa học, công nghệ...