Ngày 14/12, tại thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, đã diễn ra Hội thảo quốc tế về hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương, với chủ đề “Tăng cường hiểu biết và tin cậy, đi sâu giao lưu và hợp tác”.
Đại diện Bộ Ngoại giao, Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Đại sứ quán, các cơ quan báo chí-truyền thông các quốc gia tham gia cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương đã tham dự Hội thảo.
Đại diện Đại sứ quán các nước tại Hội thảo. |
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Sun Lushan, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương được tổ chức mới đây tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc với việc nhìn lại tiến triển hợp tác và đề ra định hướng và công tác trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo cho cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương; nhấn mạnh, hợp tác Mekong-Lan Thương là cơ chế hợp tác tiểu vùng kiểu mới được 6 quốc gia trong lưu vực Mekong-Lan Thương khởi xướng và thiết lập, đã đạt nhiều thành quả hợp tác thiết thực trong 7 năm qua.
Cụ thể, trao đổi cấp cao giữa 6 nước được duy trì mật thiết, giúp tăng cường tin cậy chính trị và định hướng chiến lược; thương mại giữa Trung Quốc với các nước Mekong đạt 416,7 tỷ USD năm 2022, gấp đôi kim ngạch của 7 năm trước, với tốc độ tăng trưởng trung bình 13,5%/năm; đầu tư xuyên biên giới giữa doanh nghiệp các nước ngày càng sôi động, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế; hàng trăm dự án về kết nối giao thông, hợp tác giáo dục, văn hóa, phụ nữ, giảm nghèo, thể thao, giao lưu nhân văn trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương được triển khai, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân các nước.
Ông Zhou Zhiwei, Giám đốc Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương (thứ 3 từ trái sang) phát biểu tại Hội thảo. |
Nhấn mạnh ý nghĩa của hợp tác tài nguyên nước với vai trò là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác Mekong-Lan Thương, ông Zhou Zhiwei, Giám đốc Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương, đơn vị tổ chức sự kiện, đánh giá trong những năm qua, các cơ quan phụ trách lĩnh vực tài nguyên nước của 6 quốc gia đã bám sát chương trình hành động 5 năm (2018-2022), triển khai hơn 50 dự án dân sinh kiểu mẫu, 62 điểm cung cấp nước ở nông thôn, phát triển công nghệ giải quyết vấn đề nước uống an toàn cho người dân Mekong, dự án giám sát an toàn hồ đập đã lắp đặt thiết bị cho 6 hồ đập trong khu vực…
Ngoài ra, 6 quốc gia đã thúc đẩy chia sẻ thông tin, bao gồm các dữ liệu thủy văn cả năm, đưa vào vận hành nền tảng chia sẻ thông tin hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương; hơn 60 hoạt động đào tạo, giao lưu trong khuôn khổ cơ chế hợp tác được tổ chức, thu hút hơn 1.000 người tham gia.
Ông Zhou Zhiwei cho rằng, 6 quốc gia cần tăng cường hợp tác theo định hướng của Chương trình hành động 5 năm (2023-2027) hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương, thúc đẩy hợp tác thiết thực, chung tay ứng phó các vấn đề về thiên tai, tài nguyên và môi trường sinh thái liên quan đến nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của các quốc gia Mekong-Lan Thương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Tại hội thảo, đại diện Đại sứ quán các nước tại Trung Quốc, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực hợp tác, bảo vệ và quản trị nguồn nước; điều tiết các nhà máy thủy điện và quản trị sinh thái hồ đập, thủy lợi… đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả và đề xuất các kiến nghị nhằm khai thác tối đa hiệu quả hợp tác tài nguyên nước trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan, đem lại lợi ích thiết thực cho các nước trong tiểu vùng, nhất là người dân sinh sống dọc hai bên sông Mekong-Lan Thương.
Hội thảo quốc tế về hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương là một phần trong chương trình khảo sát hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương, do Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương tổ chức tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từ ngày 11 đến 15/12.
Hồ Sài Bích ở Đại Lý, Vân Nam, thuộc hệ thống nước sông Lan Thương. |
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện các cơ quan ngoại giao, truyền thông các nước đã tham quan nhà máy thủy điện Tiểu Loan, hồ Sài Bích, hồ Nhĩ Hải, công viên đất ngập nước Đặng Bắc Kiều, ngôi làng Dương Khê, doanh nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái Shunfeng…, tìm hiểu cách làm của các bên trong việc quản trị nguồn nước, phục hồi và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân.