Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong những năm qua duy trì đà phát triển tích cực. Cơ chế chính sách thuận lợi, cùng những thành tựu ấn tượng về kinh tế-xã hội đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương của các quốc gia vùng Vịnh.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Halal Việt Nam. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO)
Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Halal Việt Nam. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO)

Đề án phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025 là minh chứng rõ nét về chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia bạn bè tại khu vực cửa ngõ giữa châu Âu và châu Á. Với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu có tính chất bổ sung lẫn nhau, Việt Nam và các nước vùng Vịnh cùng chia sẻ rất nhiều tiềm năng hợp tác.

Việt Nam sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia vùng Vịnh, phần lớn là trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Qatar, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người đứng đầu tại khu vực Trung Đông và thứ 8 thế giới và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực vùng Vịnh cùng thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1993. Trong khi đó, Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất tại vùng Vịnh cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1999.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với các quốc gia vùng Vịnh duy trì đà phát triển tích cực. Các mặt hàng của khu vực nhập khẩu vào Việt Nam nổi bật là khí đốt hóa lỏng (LNG), chế phẩm từ dầu mỏ, sản phẩm hóa chất, nguyên liệu nhựa, nguyên liệu thức ăn gia súc, các kim loại thường khác... Cùng với đó, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu đến vùng Vịnh bao gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, dệt may, ngọc trai, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, trái cây, rau quả…

Theo các thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt Nam-UAE năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam-Qatar đạt 497 triệu USD, tăng 32% so với năm 2022 và kim ngạch thương mại Việt Nam-Saudi Arabia đạt gần 2,7 tỷ USD.

Cùng với hợp tác kinh tế-thương mại, sự kết nối giữa Việt Nam và các nước vùng Vịnh được đẩy mạnh trong những năm qua. Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways đã nhanh chóng mở rộng số lượng đường bay trực tiếp từ Thủ đô Doha đến Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2007), đến Hà Nội (năm 2010), đến Đà Nẵng (năm 2018) và tiến hành khai thác nhiều chuyến bay từ Việt Nam sang các nước khác.

Hãng hàng không lớn nhất của UAE Emirates cũng duy trì thường xuyên đường bay thẳng giữa Hà Nội-Dubai và Thành phố Hồ Chí Minh-Dubai với tần suất 1 chuyến/ngày, góp phần tạo thuận lợi, tăng cường kết nối khu vực vùng Vịnh với Việt Nam.

Hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh cũng được chú trọng. Tại kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-UAE vào tháng 5/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Đại học UAE đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác (MOU) trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

Việt Nam và Qatar ký MOU hợp tác giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học năm 2012 và MOU hợp tác về trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên năm 2020. Hằng năm, Qatar cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học tiếng Arab và Saudi Arabia cũng cấp một số học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập và nghiên cứu tại các trường đại học tại Saudi Arabia.

Trên cơ sở các mối quan hệ song phương ngày càng thực chất, mở rộng với các quốc gia vùng Vịnh, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định sẵn sàng làm cầu nối, thúc đẩy hợp tác liên khu vực, giữa ASEAN và GCC, hai khu vực phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.