Hội thảo được tổ chức ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 89-KL/TW ngày 25/7/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và trong bối cảnh Đảng ta đang tiến hành nghiên cứu, tổng kết những vấn đề lý luận, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội XIII để xây dựng dự thảo các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng, đồng thời chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới đất nước.
Hơn 50 tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Sĩ quan chính trị Bộ Quốc phòng, Báo Nhân Dân và một số cơ quan nghiên cứu lớn trên địa bàn Hà Nội đã tập trung vào 3 chủ đề lớn: Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch về đường lối đổi mới của Việt Nam; những kết quả toàn diện trên các mặt của Việt Nam cũng như kết quả trong từng lĩnh vực cụ thể sau gần 40 tiến hành đổi mới đất nước; những định hướng, giải pháp tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn xác đáng, giàu sức thuyết phục để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian qua.
Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Đặc biệt, các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã làm rõ tính tất yếu khách quan và một số vấn đề cốt lõi của đường lối đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước; nhiều ý kiến nhấn mạnh đây là là kết tinh trí tuệ và tư duy khoa học của toàn Đảng, toàn dân, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại, là quá trình tự đổi mới nhằm giải phóng sức sản xuất xã hội, tạo động lực mới cho chủ nghĩa xã hội.
Đến nay, về tổng thể, đất nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, nâng cao chưa từng có cả về thế và lực; đã hình thành được “ba trụ cột” trong mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam gồm: (1) kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - thành tựu lý luận đột phá và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo tiền đề cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; (2) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đột phá trong đổi mới tư duy chính trị của Đảng ta; (3) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa - cơ sở xã hội quan trọng để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới. Đây là những giá trị căn bản cần tập trung bảo vệ trong bối cảnh hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề dẫn Hội thảo. |
Các tham luận, ý kiến phát biểu đã nhận diện rõ những luận điệu xuyên tạc, chống phá đường lối đổi mới của Đảng, nhất là luận điệu nổi lên thời gian qua và đưa ra những luận cứ sắc bén để đấu tranh phản bác vừa mang tính tổng hợp, khái quát, vừa mang tính thời sự, như vấn đề Hiệp định Thương mại tự do, Quy chế kinh tế thị trường, cải cách thể chế, đối ngoại, công tác cán bộ, xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam…
Đồng thời, nhiều ý kiến đã đã trao đổi, gợi mở một số nội dung quan trọng để tiếp tục bảo vệ, bổ sung, phát triển đường lối đổi mới của Đảng, góp phần đưa công cuộc đổi mới đến thành công, mở ra lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với tầm nhìn 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn mới khi thế và lực đã ở tầm cao mới.
Đặc biệt, Hội thảo đã bày tỏ sự thống nhất cao với nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", tin tưởng rằng: “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, Đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; cũng là ước vọng của toàn dân tộc Việt Nam.
Niềm tin và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cần được tiếp tục lan tỏa rộng rãi và cụ thể hóa vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền để nâng cao sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tin tưởng, đồng thuận trong xã hội, tạo môi trường xã hội ổn định phục vụ phát triển.
Theo Ban tổ chức Hội thảo, tới đây, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện sẽ phối hợp các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện các tham luận, báo cáo và tổ chức lan tỏa trên các cơ quan báo chí trong và ngoài Học viện, tạo thành hệ thống bài tuyên truyền về đường lối đổi mới từ nay đến Hội nghị Trung ương X và đến hết năm 2024.
Các cơ quan báo chí, truyền thông của Học viện nghiên cứu xây dựng hệ bài chuyên luận có chất lượng về đường lối đổi mới trên tinh thần quán triệt tinh thần chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại các hội nghị quan trọng vừa qua; đồng thời, Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện chủ trì, tham mưu Ban Chỉ đạo 35 Học viện chắt lọc kết quả Hội thảo để tiếp tục bổ sung vào Đề án tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình Cao cấp lý luận chính trị để nghiệm thu cấp Bộ và chắt lọc xây dựng thành tài liệu phục vụ năm học mới…