Đẩy mạnh cứu trợ nhân đạo cho Ukraine

Reuters dẫn nguồn các nhà ngoại giao cho biết, Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi đẩy nhanh các hoạt động cứu trợ nhân đạo và có thể tiếp tục tổ chức bỏ phiếu trong tuần này liên quan căng thẳng Nga-Ukraine. Đây sẽ là lần thứ hai Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu về xung đột tại Ukraine.

Người Ukraine sơ tán tới Ba Lan. (Ảnh Liên hợp quốc)
Người Ukraine sơ tán tới Ba Lan. (Ảnh Liên hợp quốc)

Tăng cường hỗ trợ hoạt động sơ tán

Trong bối cảnh số người sơ tán từ Ukraine vào các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tăng, Bộ trưởng Ngoại giao Đức kêu gọi các nước trong khu vực giúp “giảm tải” cho các quốc gia có đường biên giới với Ukraine. Đức đề xuất lập cầu hàng không để phân bổ tiếp nhận số người sơ tán. Theo Đức, việc cung cấp nơi ăn ở cho những người sơ tán là thách thức lớn với EU. Đức tuyên bố sẽ chủ trì một hội nghị các nhà tài trợ vào đầu tháng 4 tới nhằm hỗ trợ Moldova, quốc gia không phải là thành viên của EU, ứng phó làn sóng người lánh nạn từ Ukraine.

Romania cũng tuyên bố cùng với Đức và Pháp thúc đẩy tổ chức hội nghị về điều phối viện trợ Moldova. Trước mắt, khoảng 13.000 người sơ tán hiện ở Moldova sẽ được chuyển đến các nước EU, như Đức, Pháp, Litva và Tây Ban Nha. Bộ trưởng Ngoại giao Romania cho biết, một “hành lang xanh” đã được thiết lập để giải tỏa sức ép cho Moldova, theo đó người sơ tán có thể vào lãnh thổ Romania từ khu vực biên giới Moldova-Ukraine.

Trong cuộc điện đàm ngày 21/3, các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italia nhất trí về tầm quan trọng duy trì đoàn kết trong vấn đề Ukraine. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Italia nêu rõ: Tình hình nhân đạo là nghiêm trọng và khẩn cấp, các nước cần phối hợp nỗ lực để hỗ trợ dân thường trong xung đột.

Ngày 22/3, Ukraine cho biết đang tập trung nỗ lực sơ tán người dân tại thành phố Mariupol. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk (I.Vê-rê-strúc) thông báo danh sách các địa điểm xe buýt của chính phủ đón người sơ tán. Phía Ukraine cũng cho biết, chưa đạt thỏa thuận mới với Nga liên quan các hành lang nhân đạo phục vụ sơ tán.

Nỗ lực duy trì đàm phán

Trả lời phỏng vấn truyền thông Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (V.Dê-len-xki) cho biết, một cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin (V.Pu-tin) theo bất kỳ khuôn khổ nào là cần thiết để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. Ông Zelensky cũng lưu ý rằng, các quyết định được nhất trí với phía Nga trong đàm phán đều cần được người dân Ukraine thông qua.

Trong khi đó, hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Đ.Pê-xcốp) nhận định, còn quá sớm để đề cập đến một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp phía Ukraine khi chưa có sự đột phá trong các cuộc hòa đàm. Ông Peskov nhấn mạnh, tiến triển trong quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine “vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình”.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/3 cho biết, đã triệu Đại sứ Mỹ John Sullivan (G.Xu-li-van) để phản đối lời lẽ chỉ trích của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) về nhà lãnh đạo Putin liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cho rằng những tuyên bố này đã đẩy quan hệ hai nước gần bờ vực sụp đổ.

Tòa án quận Tverskoi ở thủ đô Moskva Nga ra phán quyết cấm hoạt động tại Nga đối với Meta, công ty chủ quản của một loạt ứng dụng mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp, đồng thời liệt hãng công nghệ này vào danh sách “tổ chức cực đoan”. Quyết định được đưa ra sau khi Cơ quan An ninh quốc gia Nga (FSB) yêu cầu tòa án ban hành lệnh cấm hoạt động ngay lập tức đối với Meta, với cáo buộc Meta có những hoạt động chống lại lợi ích của Nga.

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moskva sẽ không tiếp tục đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản để phản đối các lệnh trừng phạt của Tokyo đối với Nga liên quan tình hình ở Ukraine. Moskva sẽ hủy bỏ việc miễn thị thực đối với công dân Nhật Bản khi tới 4 hòn đảo có tranh chấp ở Thái Bình Dương, mà Nga gọi là Quần đảo Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Nga cũng sẽ ngăn cản việc Nhật Bản trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của Tổ chức Hợp tác kinh tế Biển Đen.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) ngày 22/3 cho rằng, đối thoại với Moskva vào thời điểm hiện tại “trở nên không thể” do cuộc xung đột tại Ukraine. Ông Kishida nhấn mạnh, việc Nga quyết định ngừng đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình là không thể chấp nhận được.