Đẩy mạnh bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt

Trong những năm qua, các sự cố ô nhiễm gây mất an toàn nguồn nước cấp diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn lãnh đạo Sawaco khảo sát nguồn nước thô trên sông Đồng Nai.
Đoàn lãnh đạo Sawaco khảo sát nguồn nước thô trên sông Đồng Nai.

Đây là hồi chuông cảnh báo vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước sạch ở các thành phố lớn khi chúng ta khai thác nguồn nước thô tại các dòng sông.

Với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn là khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ. Thực tế cho thấy, các chất thải chưa được xử lý, xả thải trực tiếp ra sông, cũng như các sự cố xả thải từ các khu công nghiệp đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước thô tại hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai.

Chất lượng nước mặt ngày càng giảm

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 20 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp với lượng nước thải công nghiệp gần 50.000m3/ngày. Bên cạnh đó, hiện thành phố có hơn 30 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hầu hết chưa có hệ thống nước thải thuộc nhiều ngành nghề như:

Thực phẩm, dệt may, nhuộm, hóa chất… nên đã dồn áp lực lên hệ thống sông, trong đó có hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là khu vực thu hút dân cư sinh sống với mật độ dân số cao nhất cả nước. Mức sống của người dân không ngừng tăng cao, nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh, lượng nước thải sinh hoạt cũng tăng theo làm tăng nguy cơ mất an ninh nguồn nước cả về chất lượng và trữ lượng.

Trong số các nguồn tiếp nhận nước thải đô thị, sông Sài Gòn tiếp nhận lượng chất thải nhiều nhất với 76,21% tổng lượng nước thải và 66,6% tổng tải lượng BOD5 (lượng ô-xi cần thiết để vi sinh vật ô-xi hóa sinh học các chất hữu cơ).

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện nguồn nước của Thành phố Hồ Chí Minh được khai thác từ hai nguồn chính: Nguồn nước mặt chiếm khoảng 94,2% lấy từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; nguồn nước ngầm (khoảng 5,8%). Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức Phạm Tuấn Anh cho biết: Đây là nhà máy cấp nước đầu tiên và lâu đời nhất của thành phố với công suất nước vận hành khoảng 622 nghìn m3/ngày.

Gần đó, Nhà máy nước BOO Thủ Đức, Nhà máy nước Thủ Đức giai đoạn 3 hình thành sau này đều lấy nguồn nước thô từ sông Đồng Nai (Trạm bơm Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Từ các trạm bơm này, nước được dẫn về các nhà máy để xử lý và cung cấp cho người dân nên chất lượng nguồn nước thô “đầu vào” là hết sức quan trọng. Sawaco đã khảo sát và đưa ra đánh giá mới đây, nhìn chung, chất lượng nước sông luôn biến động và có xu hướng ngày càng suy giảm về chất lượng, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ.

Các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ phần lớn đều vượt quy định (COD - nhu cầu ô-xi hóa học, cao hơn bảy lần so với quy định; BOD5 cao hơn hai lần so với quy định), ô-xi hòa tan thường dưới ngưỡng cho phép. Đáng lưu ý, sông Sài Gòn hiện đang ô nhiễm nặng hơn so với sông Đồng Nai (COD gấp 2,4 lần; BOD5 gấp 1,3 lần; TOC - tổng lượng carbon hữu cơ gấp 1,5 lần).

Ngoài ra, dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, trong những năm gần đây đã có những tác động đến nguồn nước thô trên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai. Đơn cử như tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô diễn ra ngày càng gay gắt, đặc biệt là vào các năm xảy ra El Nino (cụ thể trong năm 2016) một số nhà máy nước đã phải ngưng lấy nước thô trong khoảng thời gian dài (Nhà máy nước Tân Hiệp 6 giờ/ngày, Nhà máy nước B.O.T Bình An hơn 10 giờ/ngày) do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Quan trắc, chú trọng cải thiện nguồn nước thô

Theo Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương, hiện nay công ty có chín nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 760.000m3/ngày đêm và hơn 60% khối lượng nước thô được lấy từ sông Đồng Nai.

Để theo dõi và đánh giá chất lượng nước đầu vào, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đang thực hiện 34 điểm quan trắc nước mặt trên toàn tỉnh nhằm đánh giá hiện trạng, xem xét diễn biến xu hướng chất lượng môi trường nước mặt trên các sông, rạch, các chi lưu của hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn chảy qua địa phận Bình Dương. Định kỳ thực hiện quan trắc một lần/tháng với các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng nước mặt.

Từ diễn biến thực tế, Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang nhận định: “Với mức độ ô nhiễm như hiện tại, nếu các cơ quan quản lý không có giải pháp triệt để cải thiện nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn, trong tương lai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý nước sạch như:

Phải sử dụng thêm nhiều hóa chất để bảo đảm chất lượng nước sạch hoặc các nhà máy nước buộc phải giảm sản lượng tại những thời điểm ô nhiễm tăng cao để bảo đảm chất lượng nước sạch luôn đáp ứng quy chuẩn; cùng với đó là nguy cơ hình thành các sản phẩm phụ không mong muốn nếu buộc phải sử dụng hóa chất ở mức quá cao”.

Ông Bùi Thanh Giang cũng cho biết một số nguyên nhân nguy hại ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt mà các nhà máy cấp nước đang đối diện: Nhiễm mặn, tiếp nhận nước thải công nghiệp, tiếp nhận nước thải sinh hoạt, sự cố từ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp... Do đó, công tác quản lý, giám sát chất lượng nước luôn được Sawaco rất chú trọng, thể hiện qua việc giám sát một số chỉ tiêu quan trọng bằng thiết bị đo liên tục (online) hoặc lấy mẫu đo hàng giờ tại phòng thí nghiệm của các nhà máy.

Đồng thời, Sawaco có trang bị thêm xe thử nghiệm lưu động để thực hiện thử nghiệm ngay tại hiện trường. Hiện tại, các phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ các máy móc thiết bị và thử nghiệm được hơn 50 chỉ tiêu gồm hóa lý, vi sinh, chất hữu cơ để phục vụ cho công tác giám sát và thử nghiệm chất lượng nước. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh có Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng giám sát, cảnh báo, công bố nguồn nước sau xử lý phục vụ nguồn nước sinh hoạt.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường cho rằng: Sông Đồng Nai có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển kinh tế khu vực miền nam và được xem là một trong những lưu vực lớn nhất cả nước gồm 11 tỉnh, thành phố; trong đó, có bảy tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Trên thực tế, sông Đồng Nai đang đối mặt với tình trạng bị ô nhiễm và suy thoái do chưa được bảo vệ đúng mức trước tình trạng xâm lấn, nạo vét cát, xả thải chất thải công nghiệp hay bị khai thác quá mức nhưng lại chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Do đó, để có biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa một số dòng sông đang có nguy cơ bị “bức tử”, rất cần sự quan tâm của Chính phủ trong thiết lập Ban Quản lý lưu vực sông Đồng Nai...

Mỗi tỉnh, thành phố đều có trách nhiệm bảo vệ dòng sông trên cơ sở nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất hay xả thải ra dòng sông, kiên quyết và xử lý di dời là việc cần làm ngay. Đồng thời, thiết lập một trung tâm an toàn sinh học cấp 1 để giám sát, quan trắc mực độ ô nhiễm định kỳ và đột xuất hệ thống nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là khu vực sử dụng nước cấp sinh hoạt cho người dân; qua đó, tiên lượng, dự phòng nguồn ô nhiễm có thể liên quan sức khỏe cộng đồng cũng như hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông...