Các thỏa thuận khác có tổng trị giá 10 tỷ USD dự kiến sẽ sớm được hoàn tất. Ðây là một bước quan trọng trong lộ trình đưa dầu mỏ Iran trở lại thị trường thế giới.
Bộ Dầu mỏ cho biết đang nghiêm túc theo đuổi các kế hoạch đầu tư cho các dự án phát triển của ngành. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji (G.Âu-gi) lưu ý rằng, Iran cần khoản đầu tư hơn 160 tỷ USD để hoàn thành các dự án phát triển ngành dầu khí trong vòng tám năm tới. Ðến nay, Chính phủ Iran đã thu hút hơn 80 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu khí của nước này và đã ký một thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga. Theo thỏa thuận, Gazprom sẽ giúp đối tác phía Iran phát triển các mỏ khí ở Kish và North Pars và sáu mỏ dầu. Gazprom cũng tham gia các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và xây dựng các đường ống dẫn khí xuất khẩu cho Iran. Iran mới đây cũng cho biết đã đạt các thỏa thuận với Syria và Iraq về việc xây dựng và vận hành các nhà máy lọc dầu tại hai quốc gia láng giềng này.
Trong bối cảnh Iran cùng với phái đoàn của Mỹ và các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 đang đàm phán nhằm cứu vãn văn kiện này, Iran thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi chính trị hóa lĩnh vực năng lượng. Quốc gia giàu dầu khí này khẳng định rằng, việc dầu mỏ Iran trở lại thị trường thế giới có thể giúp khôi phục sự cân bằng và "hạ nhiệt" thị trường vàng đen. Theo ông Mirkazemi, trong số các thỏa thuận mà Chính phủ Iran ký với các doanh nghiệp trong nước có thỏa thuận phát triển mỏ dầu chung Azadegan trị giá bảy tỷ USD và một bản ghi nhớ xây dựng hai nhà máy hóa dầu có tổng kinh phí 19 tỷ USD.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác lần thứ 31 diễn ra dưới hình thức trực tuyến, Iran cho biết sẵn sàng đưa sản lượng dầu thô của nước này trở lại mức trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt và có thể thực hiện việc này trong thời gian sớm nhất. Trang mạng của Bộ Dầu mỏ Iran dẫn lời ông Owji bày tỏ hy vọng các nước phương Tây hiểu chính xác bối cảnh nhạy cảm và quan trọng của thế giới hiện nay và có cách tiếp cận logic nhằm bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu. Ông cảnh báo mùa đông tới sẽ rất quan trọng đối với toàn thế giới, đặc biệt là châu Âu, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu nên nghĩ về giải pháp trước khi quá muộn.
Iran hiện là nước có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới sau Nga, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ngăn cản nước này tiếp cận công nghệ và làm chậm lại sự phát triển của lĩnh vực xuất khẩu dầu khí. Triển vọng Iran có thể tăng lượng dầu mỏ xuất khẩu nhờ tiến bộ trong đàm phán về JCPOA đã tác động đến thị trường "vàng đen" thế giới. Nhà phân tích thị trường cấp cao PRICE Futures Group, ông Phil Flynn (Ph.Phlin) cho biết, một số nhà giao dịch dầu đang kỳ vọng khả năng Iran và các nước phương Tây đạt được thỏa thuận, qua đó Tehran có thể tăng lượng dầu mỏ xuất khẩu cho thị trường thế giới. Ông Vivek Dhar (V.Ða), nhà phân tích của Ngân hàng Thịnh vượng cho rằng, Iran có thể tăng xuất khẩu dầu khoảng từ 1 đến 1,5 triệu thùng/ngày trong sáu tháng và việc khôi phục JCPOA có thể giúp "hạ nhiệt" giá dầu trên thị trường.