Dấu ấn thị trường nội địa năm 2022

NDO - Sau khoảng thời gian khó khăn do dịch bệnh, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh cho thị trường trong nước. Nhờ đó, sức mua của thị trường nội địa đã dần sôi động trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã quay lại thị trường nội địa.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã quay lại thị trường nội địa.

Thị trường nội địa dần phục hồi

Sau một thời gian dài chuẩn bị, đầu tháng 11 vừa qua, thương hiệu thời trang nam Generos - Tổng Công ty May 10 (May 10) đã chính thức được khai trương, với mong muốn mang đến sự thoải mái, tiện dụng, tinh tế, hào sảng và phóng khoáng cho giới trẻ…

Cửa hàng Thời trang Generos đầu tiên chính thức được ra mắt khách hàng tại 198E Bạch Mai, Hà Nội. Thương hiệu Generos hướng tới phân khúc khách hàng trẻ, trong độ tuổi từ 25 - 35 tuổi. Với kỳ vọng sẽ mang lại một luồng gió mới, phong cách trẻ trung, năng động, trào lưu mới cho những người yêu thời trang Việt cũng như xu hướng thời trang công sở Việt Nam. Dù mới ra mắt, song thương hiệu thời trang này đã bước đầu được người tiêu dùng đón nhận.

Cùng với May 10, rất nhiều các doanh nghiệp khác đã đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường nội địa ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Theo Bộ Công thương, vượt qua 2 năm khó khăn, bước sang năm 2022, dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa tăng trở lại. Nguồn cung hàng hóa trong nước cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn.

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây.

Như vậy, sau hai năm liên tục giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm nay đã bật tăng mạnh trở lại. Điều đó cho thấy các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước đã phát huy hiệu quả, sức mua của người dân dần khôi phục như trước thời kỳ đại dịch. Trong đó, nhóm ngành du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất vì đây là những nhóm ngành bị hạn chế hoạt động nhiều trong giai đoạn dịch Covid-19. Nhóm ngành bán lẻ hàng hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt như mọi năm, tập trung vào nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục, hàng may mặc và phương tiện đi lại.

Thời gian qua, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng khi vào giai đoạn chuyển mùa. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn.

Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi.

Doanh nghiệp tìm cách chinh phục thị trường nội địa

Điểm đặc biệt trong năm 2022 là nhiều doanh nghiệp đã có xu hướng quay lại thị trường nội địa. Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc May Việt Tiến chia sẻ, trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động xuất khẩu thì Việt Tiến luôn chú trọng phát triển thị trường trong nước. Thời gian qua, đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thách thức, nhưng cũng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa.

Dấu ấn thị trường nội địa năm 2022 ảnh 1

Thị trường nội địa hơn 100 triệu dân là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp thường xuyên tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, xu hướng về màu sắc, kiểu dáng và đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nội địa. Việt Tiến hiện cũng là một trong những doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn với hơn 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên khắp các tỉnh, thành phố cả nước.

Thương hiệu Viettien, Smartcasual của Việt Tiến đã được định vị trong tâm thức người tiêu dùng trong nước. Các cửa hàng Việt Tiến House đang được mở rộng cũng nằm trong chiến lược đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa của tổng công ty (TCT) và các đơn vị thành viên. Qua đó, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt, cũng như hưởng ứng hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cả cuộc đời gắn với trứng gà, trứng vịt và thành lập doanh nghiệp được 20 năm, bà Phạm Thị Huân (còn gọi là Ba Huân) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, vẫn tự nhận mình là nông dân điển hình. Bởi vậy, dù sản phẩm trứng Ba Huân đã xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, doanh nghiệp của bà Ba Huân vẫn xác định nội địa là thị trường chủ lực.

Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, Công ty Ba Huân đã mở một chiến dịch sâu rộng với khẩu hiệu "Ba Huân đi đến mọi nhà" nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa. Một loạt biện pháp được công ty đưa ra áp dụng như thành lập đội bán hàng và trang bị xe gắn máy cho nhân viên bán hàng; hỗ trợ cơ sở vật chất và giấy phép thú y cho các hộ bán lẻ; có chế độ chiết khấu hoa hồng linh hoạt cho đại lý...

Nhiều năm nay, năm nào Công ty Ba Huân cũng tham gia chương trình bình ổn giá và như lời bà Ba Huân chia sẻ, hàng tiêu thụ rất tốt. Trong hai năm dịch Covid-19 hoành hành, công ty vẫn luôn nằm trong top các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá. Khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh thu của doanh nghiệp tiếp tục tăng cao.

Quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là một hướng đi mới của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu khi thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn do tình hình lạm phát toàn cầu đang gia tăng. Một hệ thống chuỗi mới tại thị trường nội địa đang được các doanh nghiệp xuất khẩu thiết lập. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay khi quay lại thị trường nội địa chính là phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu kỹ về thị trường, đồng thời lựa chọn cho mình một phần khúc phù hợp để có được dòng sản phẩm thực sự chinh phục được thị trường.