Dấu ấn Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 4245/QĐ-BVHTTDL, công bố Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam được xếp hạng Di tích quốc gia. Đây là địa điểm đang được bảo tồn và quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát huy giá trị di tích.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà bia tưởng niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam.
Nhà bia tưởng niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam.

Cơ quan tư tưởng của cách mạng miền nam

Theo tài liệu ghi nhận, sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền nam (thay thế Xứ ủy Nam Bộ trước đó), đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị. Ngày 10/10/1961 tại Hội nghị lần thứ nhất, Trung ương Cục miền nam đã chính thức thành lập bộ máy lãnh đạo của Trung ương Cục do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Võ Chí Công, Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư.

Ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền nam họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò-Bến Ra-Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, để có điều kiện mở rộng căn cứ.

Trong kháng chiến, công tác tư tưởng chính trị là mặt trận hàng đầu đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đã có hàng trăm anh hùng liệt sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có ba cơ quan gồm: Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú và Điện ảnh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam; nhiều đồng chí được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, các Huân chương hạng nhất, nhì, ba,… Với những thành tích đặc biệt trên, tháng 1/2015 Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Trong những năm qua, địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam là điểm về nguồn của ngành tuyên giáo các cấp. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8), các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công tác trong ngành tuyên giáo thường tổ chức các hoạt động về nguồn, họp mặt, ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành và thắp hương tưởng niệm các thế hệ tiền bối cách mạng, anh hùng, liệt sĩ ngành tuyên giáo. Hiện nay, Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam (1962-1975) thuộc ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 57 km.

Cần phát huy giá trị di tích

Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam (1962-1975) hiện nay giao cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Phú (xã Tân Bình) trực tiếp bảo vệ, gìn giữ; là nơi ghi dấu lại sự kiện mang nhiều giá trị đặc trưng về lịch sử góp phần tích cực cho việc giáo dục con người về truyền thống yêu nước, yêu cội nguồn dân tộc. Địa điểm này đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Phú, chính quyền địa phương và nhân dân ra sức bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di tích.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh, để có thể vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị tiêu biểu của di tích mà không làm mất đi vốn có của di tích, khi tiến hành sử dụng di tích cần phải bảo đảm được yếu tố nguyên gốc của di tích, bởi đó là nơi lưu giữ những thông tin giá trị lịch sử cần được phát huy, để lại cho mai sau những hiểu biết và cả những giá trị vật thể và phi vật thể của di tích.

Luật Di sản văn hóa đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, được sửa đổi bổ sung năm 2009, là văn bản pháp lý cao nhất làm cơ sở quan trọng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vì vậy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng tỉnh phải thực hiện đúng những điều quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giải tỏa triệt để những trường hợp lấn chiếm, xâm hại di tích.

Đồng thời, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về nội dung của Luật Di sản văn hóa đến với mọi tầng lớp nhân dân, để chính họ - những chủ thể của di tích tại địa phương trực tiếp tham gia bảo vệ, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, chống lấn chiếm, sử dụng sai mục đích di tích. Trong phương hướng phát huy, cần có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn bảo tồn, tôn tạo di tích; tuyệt đối không làm thay đổi những yếu tố gốc vốn có của di tích. Trong quá trình tiến hành bảo tồn, tôn tạo, phải có hồ sơ lưu trữ, cán bộ chuyên môn phải có sổ sách ghi chép về mọi biện pháp can thiệp vào di tích và áp dụng các phương tiện, trang bị kỹ thuật cho di tích.

Cần phối, kết hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tiếp thị, quảng cáo, nhất là quảng bá du lịch để xây dựng các tuyến, điểm du lịch đặc thù kết nối di tích Nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam với các di tích trong huyện, tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới.

Cơ quan quản lý di tích phải bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn tham quan tại các di tích bằng việc mở những lớp tập huấn, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên về kiến thức lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ, quân sự, lối ứng xử với du khách và cộng đồng. Hướng dẫn viên phải am hiểu sâu về di tích và có vốn ngoại ngữ cần thiết.