Đào tạo nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành

Dự kiến khoảng hơn hai năm nữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động. Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch khu vực khoảng 30.000 ha để “cất cánh” cùng sân bay.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tặng quà học viên đang theo học ngành hàng không tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tặng quà học viên đang theo học ngành hàng không tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.

Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu vận hành sân bay và vùng quy hoạch phát triển đô thị sân bay Long Thành đang trở nên cấp bách.

Sân bay Long Thành dự kiến đi vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026 với công suất 25 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, cần hơn 13.700 người để vận hành. Trong khi năng lực đào tạo của chủ đầu tư xây dựng dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) còn hạn chế, rất cần sự hợp tác của các cơ sở đào tạo ngành hàng không lớn trong và ngoài nước.

Hơn 13.700 người để vận hành sân bay

Theo Cục Hàng không Việt Nam dự báo, nhu cầu tuyển dụng phục vụ sân bay Long Thành đi vào khai thác giai đoạn 1 là hơn 13.700 người. Với một số lượng lớn như vậy gắn liền với yêu cầu bảo đảm chất lượng những ngành nghề mang tính đặc thù, trong khi từ nay đến lúc sân bay chính thức đi vào vận hành nếu đúng như dự kiến ban đầu chỉ còn khoảng hơn hai năm nữa, đòi hỏi địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ, bài bản, hành động quyết liệt nếu không muốn bị lỡ nhịp, chậm trễ.

Trưởng ban chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành Nguyễn Xuân Phong cho biết: Với tiến độ đề ra và thực tế thi công trên công trường, sân bay sẽ vận hành thử nghiệm vào tháng 6/2026 và chính thức khai thác tháng 9/2026. Trước khi vận hành, sân bay Long Thành phải có đầy đủ nguồn nhân lực để chạy toàn bộ hệ thống, bao gồm:

Đội ngũ công chức, viên chức thuộc bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, nhân lực các doanh nghiệp hàng không và nhiều ngành nghề phi hàng không. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là năng lực ba cơ sở đào tạo trực thuộc ACV còn khiêm tốn, nhất là ở mảng nhân lực kỹ thuật cao. Do đó, đề nghị các đơn vị chủ động, mạnh dạn hơn nữa trong việc hợp tác, liên kết đào tạo để đẩy nhanh tiến độ cung ứng nguồn nhân lực liên quan trực tiếp hàng loạt ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động vùng sân bay Long Thành.

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Bộ Xây dựng), đóng chân trên địa bàn huyện Long Thành là đơn vị liên kết đào tạo nhân lực liên quan đến hàng không sớm nhất và duy nhất đến thời điểm hiện nay tại Đồng Nai. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Khánh Cường cho biết: Từ tháng 9/2021, trường đã ký hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên kỹ thuật máy bay (VAECO) về đào tạo trình độ hai nghề, gồm bảo dưỡng máy bay mức B1/B2 và sửa chữa cấu trúc máy bay.

Đến nay, trường đã tuyển sinh được một lớp 20 sinh viên học ngành bảo dưỡng máy bay mức B1/B2. Năm 2023, Lilama 2 cũng ký thỏa thuận hợp tác với Học viện hàng không Vietjet về đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng máy bay và các nghề dịch vụ mặt đất, dịch vụ hành khách, an ninh sân bay. Cùng với đó, trường cũng hợp tác với Công ty cổ phần Hàng hóa Tân Sơn Nhất - TCS, Công ty Logistics Việt Nam (Villas) đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics hàng không.

Đã có 85 sinh viên đang theo học và một số chuẩn bị tốt nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu việc học các ngành hàng không trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trường đã phối hợp với chính quyền một số địa phương giới thiệu các ngành nghề đào tạo để góp phần cung cấp cho các đơn vị phục vụ trong sân bay Long Thành.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn hiện có 21 trường, cơ sở dạy nghề, tuy nhiên, chưa có nơi nào đào tạo chuyên sâu ngành nghề phục vụ sân bay. Duy nhất chỉ Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 thời gian gần đây bắt đầu liên kết đào tạo với số lượng rất ít. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã cung cấp danh sách 25 đơn vị có khả năng đào tạo nhân lực phục vụ ngành hàng không để địa phương tham khảo, hợp tác, song đến thời điểm này, chưa mang lại kết quả cụ thể.

Ưu tiên người dân trong vùng dự án

Sân bay Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, một trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Dự án sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Giai đoạn 1 dự án sẽ đi vào khai thác vào năm 2026, vì vậy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải chuẩn ngay từ lúc này.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng: Nhân sự phục vụ cho ngành hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về bảo đảm an ninh và an toàn. Đơn vị đào tạo các ngành, nghề lĩnh vực hàng không cần được cấp phép của cơ quan chuyên môn. Hiện nay có 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.

Trên địa bàn tỉnh có 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp với 78 ngành, nghề, nhưng chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không. Từ thực tiễn đặt ra, Đồng Nai cần nhanh chóng xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực để phục vụ sân bay Long Thành đi vào hoạt động và phát triển vùng sân bay: “Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là phải xây dựng đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm phục vụ sân bay Long Thành có lộ trình cụ thể, rõ ràng và mang tính khả thi cao.

Riêng 21 trường, cơ sở dạy nghề trong tỉnh cần nhanh chóng rà soát, liên kết để đào tạo chất lượng cao nhất với chi phí thấp nhất”, đồng chí Võ Tấn Đức nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, chuẩn bị nhân lực cho sân bay Long Thành là công việc hết sức quan trọng. Về lâu dài, phải tính toán nhân lực cho cả vùng sân bay Long Thành với không gian quy hoạch phát triển mới lên đến 30.000 ha. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cần thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí thu hút đầu tư vào bốn khu công nghiệp lân cận sân bay mà Đồng Nai đã đưa vào quy hoạch:

“Nhân lực phục vụ sân bay và khu vực quy hoạch phát triển đô thị sân bay phải chuyên nghiệp và bảo đảm an toàn cho phát triển dài hơi. Bởi lẽ, nếu sớm nhận diện được vấn đề, đi liền với quy hoạch chuẩn mực thì sẽ không phải trả giá trong tương lai. Với khu vực yêu cầu cao về an ninh, an toàn và đại diện hình ảnh thương hiệu quốc gia như sân bay Long Thành, nếu nóng vội, cẩu thả trong đào tạo nhân lực thì sẽ rất nguy hiểm”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh mong muốn các cơ sở đào tạo lớn hỗ trợ các trường ở Đồng Nai thông qua mô hình liên kết đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng cả những ngành nghề trong và ngoài sân bay. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh kết nối ACV, Cục Hàng không Việt Nam để tăng tính minh bạch về thông tin đào tạo, tuyển dụng nhân lực đến với nhân dân.

Phải ưu tiên tạo cơ hội cho người dân địa phương, trước hết là địa bàn Long Thành, con em những hộ dân đã “hy sinh” nhường đất thực hiện dự án sân bay Long Thành. Các sở, ngành chức năng sớm tham mưu tỉnh ban hành chính sách học bổng, tín dụng học nghề cho thanh niên Đồng Nai theo cơ chế đặt hàng. Nếu nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng đủ thì chấp nhận tuyển dụng người từ nơi khác đến, mục đích duy nhất là bảo đảm an toàn bay.