Đào tạo nghề gắn với thực tế cho lao động nông thôn Ninh Thuận

NDO -

Tại Ninh Thuận, tỉnh chú trọng khảo sát nhu cầu để định hướng, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thông sát với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương. Chương trình tập trung ưu tiên cho phụ nữ; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp…

Sau khi được đào tạo nghề chế biến hải sản, nhiều phụ nữ ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận được tuyển dụng vào các cơ sở chế biến cá cơm hấp, tăng thu nhập.
Sau khi được đào tạo nghề chế biến hải sản, nhiều phụ nữ ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận được tuyển dụng vào các cơ sở chế biến cá cơm hấp, tăng thu nhập.

Đào tạo nghề theo nhu cầu

Từ năm 2010, Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. 10 năm sau, năm 2020, hơn 35 nghìn người sau khi học nghề có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ,... với thu nhập ổn định. Nhờ đó, chất lượng đời sống được nâng cao.

Sau 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”, từ nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 35.523 người, đạt tỷ lệ 85,45% so với mục tiêu.

(Nguồn: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Ninh Thuận).

Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận Nguyễn Phan Anh Quốc chia sẻ, qua khảo sát, nhà trường tổ chức đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: May công nghiệp, chế biến thủy sản, kỹ thuật xây dựng,… cho hàng nghìn lao động.

Hằng năm, trường đã kết nối, giới thiệu hơn 96% học viên được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, cơ sở trong và ngoài tỉnh với mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhà trường còn phối hợp Công ty TNHH May Tiến Thuận, Công ty cổ phần May Tân Tiến, Công ty TNHH Thông Thuận… tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 4.000 lao động. Trong thời gian theo học, học viên được doanh nghiệp hỗ trợ 900 nghìn đồng/người/tháng.

Xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, có 2.200 hộ với 9.300 khẩu, trong đó khoảng 65% cư dân chủ yếu sản xuất ngư nghiệp. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xã tập trung đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản… Từ đó, kết nối với các cơ sở chế biến hải sản, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người sau khi học nghề.

Chị Nguyễn Thị Thuyên ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, bộc bạch: “Nhiều năm trước chưa được đào tạo nghề, tôi tìm việc làm rất khó khăn và được trả mức lương chỉ 120 nghìn đồng/ngày. Hơn một năm qua, sau khi UBND xã đưa đi học nghề, tôi đã được một cơ sở chế biến cá cơm hấp tuyển dụng vào làm việc với mức lương 200 nghìn đồng/ngày”.

Hằng năm, xã Thanh Hải còn phối hợp Chi cục Thủy sản và các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên cho ngư dân. Đến nay, hơn 90% các chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên đều thành thạo cách sử dụng các trang thiết bị hàng hải hiện đại. Họ đã tự tin vươn khơi xa, khai thác nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây.

Tại huyện Bác Ái, nơi có hơn 87% dân số là đồng bào dân tộc Raglai, người dân được đào tạo nghề về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nghề truyền thống,… giúp  đồng bào có điều kiện tiếp cận và ứng dụng khoa học-kỹ thuật khi đầu tư phát triển các loại cây trồng mới đem lại giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long, chuối Nam Mỹ, dưa lưới...

Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Bác Ái hơn 17 triệu đồng/người/năm, tăng 72% so với năm 2015; hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Hồ Xuân Ninh cho biết, để chủ động nguồn nhân lực, cùng với việc đưa người lao động nông thôn đi học nghề tại những nơi khác trong và ngoài tỉnh, tại huyện, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phước Thắng đã tổ chức đào tạo nghề dệt chiếu truyền thống, thu hút nhiều phụ nữ dân tộc Raglai theo học và tình nguyện đăng ký làm xã viên của hợp tác xã.

Chị em được các nghệ nhân dệt chiếu truyền thống hướng dẫn, đào tạo kỹ năng thao tác nghề…, vừa khôi phục, lưu giữ nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Raglai, đồng thời có việc làm, tăng thêm thu nhập trong thời gian lao động nhàn rỗi, có điều kiện nâng cao đời sống.

Hướng tới giảm nghèo bền vững

Theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, so với mục tiêu Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”, số lao động nông thôn được đào tạo nghề, số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách chưa đạt như mong muốn. Tỷ trọng lao động được đào tạo ở lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp (35.523 người/41.570 người).

Đào tạo nghề gắn với thực tế cho lao động nông thôn Ninh Thuận -0
Học viên là lao động nông thôn theo học nghề điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận. 

Nguyên nhân là do nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương phân bổ chưa đủ (mới bố trí hơn 60 tỷ đồng trong số hơn 118 tỷ đồng). Tỉnh chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để hỗ trợ. Việc đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn đa số là các nghề chủ yếu được dạy lưu động tại các xã, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Người học sau khi tốt nghiệp tuy có việc làm nhưng thu nhập chưa cao, nên việc giữ chân người lao động chưa bền vững.

Việc đào tạo các nghề nông nghiệp chỉ dừng lại ở mức bổ trợ thêm kiến thức và kỹ năng cho người lao động, chưa có nhiều mô hình hoạt động theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các thương hiệu, sản phẩm đặc thù cho người lao động sau khi học nghề. Do chưa được bổ sung nội dung tích hợp kiến thức tổ chức sản xuất-kinh doanh, kỹ năng tìm kiếm thông tin thị trường, nên người học nghề e ngại, không mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa...

Các ngành nghề mới như năng lượng tái tạo, công nghệ phần mềm, nghề hàn chất lượng cao... tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và vùng dân tộc miền núi tỉnh chưa được đào tạo nhiều. Một bộ phận lao động nông thôn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên chưa tích cực học nghề. Lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số còn có tâm lý ngại học, ngại đi làm xa nhà, kém thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp.

Trong giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ tuyển mới giáo dục nghề cho 90.500 người.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tuyển mới đào tạo nghề cho 45 nghìn lao động, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp hơn 6 nghìn người; sơ cấp và dưới 3 tháng 38.500 người. Giai đoạn 2026-2030, tuyển mới đào tạo nghề cho 45.500 lao động.

Địa phương ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận Hà Anh Quang cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành “Danh mục các nghề, công việc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo” nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ do những nghề, công việc này cung cấp.

Cũng theo ông Quang, tỉnh cũng mong được quan tâm hỗ trợ bố trí vốn theo chương trình mục tiêu dạy nghề việc làm hằng năm để đầu tư kinh phí cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Tập trung bố trí nguồn lực và ưu tiên nguồn vốn riêng biệt của Dự án đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/9/2016 của Chính phủ đã ban hành về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho người học nghề từ 30 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/người mỗi ngày, để phù hợp với mức tiền lương cơ sở tăng hằng năm.

Ninh Thuận đã xây dựng danh mục với 192 nghề đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo 17 nghề ở trình độ cao đẳng; 10 nghề trình độ trung cấp; 187 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực khoảng 9.000 người/năm. Từ đó, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo tại khu vực nông thôn.