Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng tới mục tiêu mới

NDO -

Trong thời gian tới, việc mở rộng quy mô, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu cần thiết. Qua đó, sẽ giúp người lao động ở khu vực nông thôn tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề... 

Sau khi đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn ở Hà Nam đã vào làm việc tại các khu công nghiệp với thu nhập ổn định. (Ảnh: Đào Phương)
Sau khi đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn ở Hà Nam đã vào làm việc tại các khu công nghiệp với thu nhập ổn định. (Ảnh: Đào Phương)

Từ thực tế địa phương

Những năm qua, tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hằng năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, đề xuất bổ sung danh mục ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn; mức chi phí, thời gian đào tạo đối với từng nghề, bảo đảm phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động.

Hà Nam có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngành - nghề đào tạo chủ yếu là may công nghiệp, thêu ren, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thú y, trồng cây nông nghiệp chất lượng cao, nghề chăn nuôi…

Những năm qua, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả kinh tế cao như mô hình đào tạo nghề may công nghiệp tại các huyện: Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm. Qua thí điểm, người học đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, bảo đảm có việc làm sau đào tạo.

 Cơ sở đào tạo đã phối hợp doanh nghiệp may để tổ chức đào tạo, giúp người lao động sau đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và được doanh nghiệp nhận vào làm việc.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai mô hình đào tạo nghề thêu ren tại các làng nghề thêu ren Lê Hồ, Đồng Hóa, Tân Sơn, Nguyễn Úy, Tượng Lĩnh, Hoàng Tây (huyện Kim Bảng); An Hòa (huyện Thanh Liêm).

Cùng với đó, có các mô hình như: nuôi cá nước ngọt tại xã Nhân Nghĩa, trồng bưởi tại xã Chân lý (huyện Lý Nhân); đào tạo nghề trồng và nhân giống nấm, trồng rau hữu cơ, trồng lúa năng suất cao, trồng hoa, cây cảnh; đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề truyền thống mây - giang - đan, xâu chiếu trúc…

Sau đào tạo, người lao động đã vận dụng được kiến thức, kỹ năng được học vào sản xuất, kinh doanh; tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn.

Đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo của tỉnh Hà Nam đạt khoảng 85%. Qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, tỉnh Hà Nam có 8 khu công nghiệp, đã có 7/8 khu công nghiệp theo quy hoạch được triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ; tỷ lệ lấp đầy đạt 75%. Từ đó, thu hút hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 132 nghìn lao động đang làm việc.

Ông Trần Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam, cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô đi đôi với chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp trình độ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động. Đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp đào tạo nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất, coi trọng đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kỹ năng nghề tương ứng với trình độ đào tạo. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt khoảng 20.000 người. Ít nhất 90% có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp đạt 60%) vào năm 2025.

“Nâng chất” đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Những vướng mắc ở Hà Nam cũng là khó khăn, vướng mắc chung của nhiều địa phương khi triển khai chương trình. Như đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế.

Nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh Covid-19 nên một số đơn vị không triển khai mở lớp như huyện Bình Lục, thị xã Phủ Lý. Song nguyên nhân chủ quan là đa số người lao động chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đào tạo nghề, dẫn đến tình trạng người lao động chưa chủ động đăng ký tham gia học nghề. Người tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức, chưa mạnh dạn tham gia học nghề. Do đó, khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ năng nghề của một số lao động nông thôn còn hạn chế.

Việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, việc cập nhật, bổ sung chưa được thường xuyên, liên tục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chưa huy động được nguồn lực doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

“Nâng chất” cho đào tạo lao động nông thôn

Đây cũng là khó khăn, vướng mắc chung của nhiều địa phương khi triển khai chương trình. Như đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế.

Trong thời gian tới, việc mở rộng quy mô, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu thực tiễn, khách quan đặt ra. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”.

Mục tiêu chung của dự thảo là đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, rút ngắn tỷ lệ lao động qua đào tạo giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Chương trình tập trung vào đào tạo, nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, trong đó có ưu tiên cho các đối tượng yếu thế, những khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhà giáo, người tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ làm công tác đào tạo tại doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Dự thảo đề xuất, lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, khởi nghiệp theo các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định.

Cùng với đó, nhà giáo, người dạy nghề cho lao động nông thôn và cán bộ quản lý về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác đào tạo nghề và được hưởng các chính sách ưu đãi khi tham gia đào tạo ở những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, được trả công khi tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, phương tiện vận chuyển lưu động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trường nội trú và trường chất lượng cao.