Nêu cao trách nhiệm nơi tuyến đầu
Chiều 21/7, quỳ gối bái vọng hương linh mẹ ruột tại chốt phòng, chống dịch (PCD) số 8, Đồn Biên phòng Tân Hà, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tây Ninh, Trung tá Lê Quốc Thắng (Trinh sát Đội đặc nhiệm Phòng phòng chống ma túy và tội phạm - BĐBP tỉnh Thái Bình), vẫn không kìm được nước mắt. Đây là lần cúng thất đầu tiên của mẹ anh; do được tăng cường vào Tây Ninh PCD, nên anh Thắng không thể về chịu tang, mà chỉ cúng mẹ mình bằng cách bái vọng. Thực tế sau hơn một năm rưỡi gồng mình làm nhiệm vụ, BĐBP tỉnh cũng như các lực lượng tăng cường từ nội địa ra làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới của Tây Ninh cũng sẽ phải như anh Thắng, nếu không may gia đình có việc hệ trọng.
Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên tuyến biên giới của tỉnh được tăng dày thêm các chốt, từ 129 chốt đến nay đã tăng lên 159 chốt, với hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ canh giữ. Trong đó, hiện vẫn còn 115 chốt tạm, 73 chốt chưa có điện và 111 chốt chưa có nước sinh hoạt…; nếu trời mưa dông, sấm sét, anh em ở nhiều chốt không chỉ bị ướt, lạnh, mà còn đối diện nguy cơ gặp rắn, rết, thú rừng và muỗi. Một số chốt do nước sinh hoạt thiếu, không có điện, anh em phải thay nhau “chạy” về chốt chính ăn cơm, tắm giặt, vệ sinh; bữa ăn hằng ngày của anh em nhiều chốt sử dụng mì tôm là chính... Khó khăn, gian khổ là vậy, song BĐBP tỉnh cùng các lực lượng quân sự, dân quân tự vệ (DQTV), công an, y tế đã vượt lên khó khăn, bám trụ chống dịch đi đôi phối hợp phát hiện, xử lý 206 vụ, với 991 đối tượng vi phạm pháp luật trên biên giới, trong đó có 147 vụ/959 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép..., góp phần hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm, vừa PCD Covid-19.
Ở vùng biên giới Hà Tiên, huyện Giang Thành (Kiên Giang) ai cũng biết đến Trung tá Danh Tâm, một cán bộ BĐBP có nhiều năm gắn bó với địa bàn này. Trước kia, Danh Tâm là cán bộ Đội vận động quần chúng, rồi làm Đội trưởng, Phó Chính trị viên của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (TP Hà Tiên), nay là Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ (huyện Giang Thành). Dù ở cương vị nào Danh Tâm vẫn là một cán bộ vận động quần chúng có tâm, được đồng bào yêu mến. Khi còn ở địa bàn Hà Tiên, anh Tâm đã cùng chiếc xe gắn máy, dàn âm thanh tự tạo đi khắp các thôn xóm, phum sóc để tuyên truyền nhiều chủ đề đến bà con đồng bào Khmer. Khi dịch Covid-19 bùng phát, hằng ngày anh Tâm vẫn với những trang bị đó khi thì ở Pháo Đài, lúc ở Thạch Động, rồi Đá Dựng... để đưa thông tin về dịch bệnh, cách phòng tránh và những việc người dân phải chấp hành, thực hiện. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, Trung tá Danh Tâm được phân công về Đồn Phú Mỹ đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên. Tại đơn vị mới, Trung tá Danh Tâm đã cùng Ban chỉ huy Đồn đi khắp địa bàn đơn vị phụ trách lập chốt chống dịch, xây dựng và trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang nhận xét, người dân vùng biên giới nơi Đồn Biên phòng Phú Mỹ đứng chân chấp hành tốt các quy định về PCD, phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép hiệu quả có một phần đóng góp không nhỏ của Trung tá Danh Tâm.
Theo Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở nước ta diễn biến phức tạp, đặc biệt nguy hiểm, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía nam thuộc địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ các biện pháp PCD ở mức cao nhất, thực hiện nghiêm chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, quy định của BCĐ quốc gia về PCD Covid-19. Phát hiện sớm các ca bệnh, tổ chức quyết liệt các biện pháp truy vết, cách ly kịp thời, xét nghiệm sàng lọc, khoanh vùng dập dịch triệt để, hạn chế sự lây lan dịch bệnh vào đơn vị. Đồng thời, giao các đồng chí Tư lệnh các quân khu chịu trách nhiệm chỉ huy điều hành toàn bộ lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn làm nhiệm vụ PCD theo yêu cầu của địa phương.
Không chùn bước trước gian khó, hiểm nguy
Để sát cánh cùng các địa phương PCD, Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, cho biết: Ngay từ đầu tháng 6, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 đã họp ban hành Kết luận số 579-KL/ĐU về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo PCD Covid-19 trên địa bàn; triển khai chỉ thị mở chiến dịch cao điểm giúp nhân dân với nhiều chủ trương, giải pháp, quyết liệt, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện chủ trương của Quân khu “địa phương, đơn vị phía sau hỗ trợ địa phương, đơn vị phía trước”, “địa phương, đơn vị ngoài vùng dịch hỗ trợ giúp đỡ địa phương trong vùng dịch”, “vùng có dịch ít hỗ trợ, giúp đỡ vùng có dịch nhiều”. Nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 đã chủ động nhường doanh trại, hỗ trợ vật chất, kinh phí, tận tình phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly. Đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: “Siêu thị 0 đồng”; “Cây ATM gạo”; “Hũ gạo tình thương”; “Bữa cơm nghĩa tình”; “Tủ cơm, cháo miễn phí”; “Tủ đồ dùng thiện nguyện”; “Gian hàng lưu động 0 đồng”... Nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức, lao động quốc phòng, lực lượng dự bị động viên, DQTV tiết kiệm chi tiêu, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, chia sẻ khó khăn với nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với hàng trăm tấn rau, củ, quả; hàng trăm tấn gạo; hàng chục nghìn quả trứng gà, vịt; cùng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu khác trị giá hơn 100 tỷ đồng.
Vì nhiệm vụ, dù chỉ cách nhà khoảng hơn 10 km, nhưng suốt hai tháng qua, Trung úy Trần Văn Tốt, làm nhiệm vụ tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chưa về thăm vợ con. Trung úy Tốt kể: Làm nhiệm vụ tại đây tôi cùng đồng đội bận rộn công việc phục vụ công dân trong khu cách ly. Trong khi đó, một số người vào khu cách ly y tế do tâm lý bị dao động, cho nên cư xử thiếu tế nhị, nhưng chúng tôi tìm cách động viên để họ yên tâm cách ly. Nhưng cũng có nhiều người thấy tôi cùng đồng đội vất vả đã chia bớt những phần quà mà người nhà họ gửi vào đây. Tình cảm quân dân đó như một niềm an ủi rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây. Tất cả chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi mọi hoạt động sớm bình thường trở lại.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, LLVT TP Cần Thơ luôn có mặt ở nơi tuyến đầu chống dịch. Trong đó, Bộ CHQS thành phố đã điều động 700 cán bộ, chiến sĩ, DQTV tham gia làm nhiệm vụ ở các khu cách ly, tại 41 khu vực phong tỏa và 93 chốt kiểm dịch. Là người thường xuyên làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung của đơn vị, nhiều lần tiếp xúc các bệnh nhân Covid-19, Thượng tá, bác sĩ Phạm Văn Bồi, Chủ nhiệm Quân y Bộ CHQS thành phố Cần Thơ, cho biết: Lúc đầu tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 tôi khá lo lắng, vì lần đầu đối diện dịch bệnh nguy hiểm. Nhưng bằng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng PCD được trang bị, đã giúp tôi tự tin trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng đội. “Dù công việc thường xuyên phải tiếp xúc người bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tôi cũng như các đồng đội không chùn bước trước gian khó, hiểm nguy, nêu cao trách nhiệm, tất cả vì sự bình an của nhân dân” -Thượng tá Phạm Văn Bồi chia sẻ.
Còn Trung tá Lê Quốc Thắng (BĐBP tỉnh Thái Bình), được tăng cường vào Tây Ninh, chia sẻ: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tôi cũng như cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh cùng các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biên giới, dù có người thân ốm nặng cấp cứu ở bệnh viện, hay qua đời…, nhưng vì nhiệm vụ, được sự động viên, chia sẻ của đồng đội, tôi cũng như anh em trong đơn vị đều nén nỗi buồn riêng tư để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…!”.