Bài 2: Cấp ủy tinh gọn, có năng lực lãnh đạo sáng tạo
Qua công tác tổng kết việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và ban hành một số chủ trương mới, Trung ương đã nhận định, nhiều cấp ủy cơ sở đã đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; giải quyết hiệu quả những vấn đề khó khăn, phức tạp ở cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên, nhiều nơi đã hướng về cơ sở với những giải pháp sáng tạo.
Chủ động, linh hoạt cách làm
Theo đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Ðảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngay từ cấp ủy cơ sở và chi bộ sẽ tạo tiền đề vững chắc bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng. Ðảng bộ Khối có hơn 1.000 đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở, gần 5.500 chi bộ khác. Với vai trò tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách cấp chiến lược, nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh luôn là nhiệm vụ trọng tâm.
Qua các nhiệm kỳ, Ðảng ủy Khối đã lựa chọn một số nội dung, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với hoạt động của Ðảng bộ Khối và các cơ quan Trung ương, để xây dựng, ban hành nghị quyết và triển khai thực hiện. Hiệu quả từ thực hiện các nghị quyết về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Ðảng bộ Khối các cơ quan Trung ương”, “Năm nâng cao chất lượng chi bộ”; về “Tăng cường tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tình hình hiện nay” đã tạo chuyển biến ngay từ cơ sở.
Những tấm gương bí thư chi bộ giỏi đã góp phần lan tỏa hiệu ứng tích cực trong Ðảng bộ… Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đã “kích hoạt” năng lực đổi mới, sáng tạo từ cơ sở. Tính đúng đắn của các chỉ thị, nghị quyết được ghi nhận qua thực tiễn kết quả công tác xây dựng Ðảng và thực thi công vụ của từng cơ quan, đơn vị trong Ðảng ủy Khối. Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được cụ thể hóa thành phương châm công tác của đảng bộ, chi bộ, cơ quan; thành động lực hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy nhà nước.
Kết quả thực hiện Quy định 69-QÐ/TW, ngày 13/2/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, đã khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy đối tượng áp dụng của Quy định 69 là đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiệu quả thực tế đã tác động mạnh mẽ đối với hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Hiện nay, phần lớn các cấp ủy trực thuộc đã thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trên cơ sở quy hoạch cấp ủy và đội ngũ cấp ủy viên; bố trí bí thư, phó bí thư thường trực, các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đồng thời là lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp. Việc thực hiện Quy định 69 của Ban Bí thư đã tạo chuyển biến tích cực về tổ chức bộ máy và hoạt động của cấp ủy. Vị trí, vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ðảng đối với tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp được khẳng định.
Theo Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng chi bộ; thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương gắn với thực hiện Chỉ thị 05 và nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Ðảng ủy Khối đã tạo chuyển biến trong đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm theo hướng thực chất hơn. Các cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết quả kiểm điểm hằng năm, bình quân có 21,92% tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 66,61% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 15,4% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 78% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nâng cao chất lượng cấp ủy cơ sở
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở xã, phường, thị trấn, tạo chuyển biến thật sự về chất phải đi liền với nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy. Chất lượng cấp ủy quyết định hiệu quả đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Ðảng ở cơ sở.
Qua nhiều năm triển khai, hầu hết các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Chủ trương và mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HÐND được thực hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở những nơi đủ điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Ưu điểm của mô hình này là một đầu mối chủ động nhiều việc. Khi “nhất thể hóa”, người đứng đầu vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện.
Theo đó, phần lớn các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và triển khai thực hiện của chính quyền. Ðây là phương pháp rèn luyện hiệu quả giúp cán bộ cơ sở nâng cao trình độ, khả năng xử lý tình huống, tư duy toàn diện. Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra vấn đề về năng lực lãnh đạo, quản lý của một số đồng chí khi được giao cùng lúc hai “vai”, nhất là bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, có lúng túng khi “phân vai” trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Một số nơi, công tác đảng bị lơ là vì người đứng đầu dành thời gian cho công việc chính quyền nhiều hơn. Cá biệt có nơi xảy ra tình trạng chuyên quyền khi tập trung quyền lực vào một người nắm giữ đồng thời cả hai vị trí cao nhất ở cơ sở...
Từ thực tế tại huyện Tân Yên (Bắc Giang), đồng chí Giáp Văn Thế, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện cho biết, việc thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HÐND được thực hiện ở 16/22 xã, thị trấn. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, có hai đơn vị thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, thủ trưởng đơn vị đồng thời là bí thư chi bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện chủ trương bí thư chi bộ là trưởng thôn, tổ dân phố ở những thôn, tổ dân phố có đủ điều kiện. Hiện nay, toàn huyện có 14 thôn thực hiện mô hình trên. Nhìn chung, thực hiện “nhất thể hóa” có nhiều ưu điểm vì cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ ban hành chủ trương, nghị quyết đến tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là khâu lựa chọn cán bộ sao cho bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và có uy tín với nhân dân, đồng thời cần thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ. Song song với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, Huyện ủy đã thành lập 12 tổ công tác do các đồng chí Thường trực HÐND, UBND huyện, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng dự sinh hoạt với các chi bộ; duy trì thường xuyên việc giao ban giữa cấp ủy với bí thư chi bộ; ban hành tiêu chí chấm điểm quy trình sinh hoạt chi bộ. Hiệu quả sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được nâng lên rõ rệt. Sinh hoạt chuyên đề có dự thảo báo cáo, chi bộ ban hành kết luận và nghị quyết thực hiện.
Chủ trương tăng cường cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng đảm nhiệm các chức danh chủ chốt cấp xã và tham gia sinh hoạt chi bộ tại địa bàn biên giới đã được Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy các địa phương khu vực biên giới phối hợp thực hiện nhiều năm qua. Cách làm này đã góp phần nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn biên giới. Tại Lào Cai, từ năm 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu chỉ định 4 cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy các huyện, thành phố biên giới; cử 23 lượt cán bộ tăng cường giữ chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, thị trấn, hiện còn 11 đồng chí giữ chức danh phó bí thư đảng ủy tại 11 xã, thị trấn biên giới. Các đồn biên phòng duy trì phân công đảng viên là bộ đội biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở.
Thực tế cho thấy, cán bộ biên phòng tăng cường luôn phát huy phẩm chất, năng lực công tác, sáng tạo cùng tập thể cấp ủy địa phương, cơ sở đề ra những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, phù hợp, sát thực tế, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các lực lượng, nhất là công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ðóng góp của lực lượng bộ đội biên phòng là đã củng cố 84 chi bộ; bồi dưỡng, kết nạp gần 400 đảng viên. Hiện nay, tổ chức đảng tại 26 xã, phường, thị trấn biên giới đều là đảng bộ cơ sở; thành lập được 285 chi bộ độc lập…
Ðến tháng 2/2022, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phân công hơn 2.560 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 1.877 chi bộ thôn, bản biên giới; hơn 9.660 đảng viên đồn biên phòng phụ trách gần 47.250 hộ gia đình; 166 đồng chí cán bộ bộ đội biên phòng tham gia cấp ủy địa phương cấp huyện, 464 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã, 321 đồng chí cán bộ tăng cường về xã.
Ðợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại thành phố Hồ Chí Minh là dịp “sàng lọc” về đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Nhiều cán bộ, đảng viên đã thể hiện vai trò trong việc đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tiếc là trong những tháng ngày khó khăn, vẫn có những cán bộ, đảng viên không thể hiện được năng lực, sự sâu sát với quần chúng nên làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, không chăm lo tốt đời sống nhân dân. Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh, Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 14, quận 5, người bí thư, đảng viên phải thường xuyên đi xuống gặp gỡ người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì mới có thể đưa ra những chương trình hoạt động thiết thực. “Ðể xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, trước hết phải chọn những đảng viên thật sự ưu tú, gắn bó với dân tham gia cấp ủy để có thể phát huy sức mạnh của hạt nhân chính trị là tổ chức cơ sở đảng, nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”-đồng chí Kim Oanh chia sẻ.
Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên tiếp tục được Trung ương xác định là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Ðảng. Trong đó, vai trò của đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ, đảng bộ có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, cấp ủy các cấp trong sạch, vững mạnh đòi hỏi các cấp ủy tập trung hơn nữa, quyết tâm hơn nữa đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ cấp ủy, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của các cán bộ, đảng viên; tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Ðảng.
(Còn nữa)
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4/5/2022.