Đằng sau con số phí và lệ phí

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tuần (về một số vấn đề lớn của dự án Luật Phí, lệ phí), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên: "Một con gà mà bị đè ra thu đến 14 loại phí, trời đất ơi!". Rồi Chủ tịch cứng rắn nêu quan điểm: Sẽ không bỏ phiếu bấm nút thông qua dự án luật nếu chưa có danh mục phí và lệ phí. Dù bộ Tài chính có đề xuất: Cứ để Chính phủ ban hành danh mục, chứ chưa cần đưa vào luật ngay, nhưng người đứng đầu Quốc hội vẫn bảo lưu yêu cầu: "Cho dù có bao nhiêu loại phí, lệ phí đi nữa thì cơ quan soạn thảo phải đưa hết vào danh mục, để Quốc hội quy định khi thông qua luật. Không thể có chuyện chỉ phê duyệt nhóm mà không rõ trong nh&oacu

Điều đáng nói, theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, cả nước có tổng cộng 72 loại phí và 42 lệ phí. Song, rà soát của bộ Tài chính cho thấy có 22 luật, 30 nghị định và 200 thông tư khác vẫn quy định về hàng trăm loại phí và lệ phí khác nhau. Giữa cái "ma trận" ấy, đến cả nhà quản lý và công chức nhà nước cũng còn thấy khó khăn trong phân định, huống gì người dân? Và khi các vị dân cử bày tỏ sự cứng rắn về cách thức xây dựng luật thì cũng không ít người dân giật mình tự hỏi: Khái niệm "phí" và "lệ phí" khác biệt thế nào? Người nông dân có thể không khó nhận biết trong cả nghìn loại phí, lệ phí với nông nghiệp ấy cái gì là hợp lý, cái gì không, cái gì làm cho sản phẩm họ nuôi trồng bị giảm sức cạnh tranh. Nhưng, liệu họ có đủ thông tin để lý giải cái gì là giá dịch vụ phải trả và cái gì là mức phí đã bao gồm sự hỗ trợ của Nhà nước?

Để dọn dẹp "rừng" phí và lệ phí (mà không ít trong đó đã được đưa vào một cách tùy tiện) và lớn hơn là chấn chỉnh lại kỷ cương trong thu phí và lệ phí, cần đến một quyết tâm lớn từ cả hệ thống chính trị. Về lý thuyết, phí và lệ phí là sự đóng góp của người dân và sự cân đối giữa ngân sách và đóng góp ấy. Mỗi mức đưa ra đòi hỏi phải bảo đảm hai tiêu chí: tính hợp lý và tính minh bạch.

Người dân không có điều kiện đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng hệ thống phí, lệ phí nên Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện để nói lên tiếng nói của dân. Làm sao thẩm định được tính hợp lý, để kiểm soát được tình trạng các mức phí khi về địa phương có bị đẩy lên thành lạm thu? Cũng như làm sao hạn chế tối đa trường hợp địa phương thu thêm phí ngoài danh mục?... Đích đến của những câu hỏi ấy là chung một địa chỉ: Chính các cơ quan dân cử các cấp, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong thẩm định, phản biện và nêu kiến nghị. Chỉ có như vậy, người dân mới được bảo đảm về quyền được minh bạch thông tin và bày tỏ quan điểm của mình.

Và một câu hỏi tiếp nối: Chúng ta đã tạo được cơ chế thông thoáng và hấp dẫn để xã hội hóa các dịch vụ công? Việc đấu thầu dịch vụ công mang lại nguồn lợi gì cho ngân sách và cho người dân? Xét đến cùng, dịch vụ công gắn liền với chất lượng của bộ máy hành chính. Vậy nên, câu chuyện phí và lệ phí không chỉ nằm ở bề nổi những con số hay danh mục. Sâu hơn, đó chính là thước đo phản ánh hiệu quả công cuộc cải cách hành chính như thế nào? Quyết tâm chính trị để có một nền hành chính vì dân, do dân được thực thi ra sao?