Nhiều năm làm xây dựng cho các công trình của Nhà nước, trải qua không ít lần thất bại, thua lỗ, thậm chí là phá sản, năm 2013 ông Đặng Ngọc Phố trở về Hồng Thái (Tuyên Quang). Cách đây khoảng chừng chín năm, ông Phố có đọc một bài báo về người Mông ở Suối Giàng (Yên Bái) làm chè Shan Tuyết bán hàng triệu đồng mỗi cân. Thông tin ấy khiến cho ông giật mình, bởi ở Hồng Thái nhiều chè Shan Tuyết lắm!
Tại thời điểm ấy, những cây chè Shan Tuyết cổ thụ hàng chục năm ở Tuyên Quang thường bị chặt về làm củi. Về sau, nhiều người dân dưới xuôi lên mua những cây như vậy chỉ khoảng 400.000 – 500.000 đồng, bao gồm cả công đào. Người dân phá đi trồng cây khác, cho đến khi chính quyền tỉnh Tuyên Quang hướng tới phát triển du lịch, không cho phép chặt các cây chè Shan Tuyết cổ thụ nữa.
Hướng tới Chương trình 661 của Chính phủ cùng với với khao khát mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chè sạch, ông Đặng Ngọc Phố bắt tay vào khởi nghiệp từ cây chè trên mảnh đất quê hương. Lúc bấy giờ, người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng quan tâm tới các sản phẩm sạch, chất lượng.
Suốt năm năm đầu tiên xây dựng thương hiệu chè Shan Tuyết Tuyên Quang là thời điểm khó khăn nhất đối với ông Đặng Ngọc Phố. Chè khi ấy làm ra không đạt chất lượng, cho không ai lấy, bán chẳng ai mua. HTX khi ấy luôn trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, ông Đặng Ngọc Phố luôn luôn phải vay mượn tiền để sản xuất cầm cự.
Trong khoảng thời gian này, ông Đặng Ngọc Phố phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, thậm chí là thua lỗ. Gia đình ngăn cản, nhiều lúc cô đơn vì bên cạnh không một ai ủng hộ, từng có lần phải bán cả căn nhà gia đình đang ở để có vốn làm ăn, hay những lúc trong túi không còn đủ tiền để bắt xe khách về nhà thăm vợ con… nhưng bao nhiêu khó khăn ấy không khiến cho ông Phố từ bỏ. Bởi theo ông, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, thì việc mình làm là việc khó cũng hoàn toàn dễ hiểu, không thể đơn giản hay hời hợt. “Những điều khó mình làm, khi thành công mới có thể bền vững được. Những chuyện dễ thì người khác đã làm trước mình rồi” – ông chia sẻ.
Cho đến năm thứ sáu, khi đã thực sự am hiểu về cây chè Shan Tuyết, chất lượng chè bắt đầu được cải thiện qua nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm chè Shan Tuyết Tuyên Quang bắt đầu được ông Đặng Ngọc Phố đưa ra thị trường, và duy trì năng suất kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Cho đến thời điểm này, các sản phẩm của ông luôn luôn trong tình trạng không đủ hàng để cung cấp ra thị trường.
Ông Phố nói, chè Shan Tuyết pha với nước suối thì tuyệt vời, thơm tựa như hương vị đất trời vùng cao. Nguồn nguyên liệu chế biến chè Shan Tuyết của HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái – Na Hang) được khai thác từ những cây chè Shan cổ thụ trồng ở độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây sương mù bao phủ quanh năm nên chè Shan Tuyết có hương thơm đặc trưng, khi uống không ngắt đắng, thay vào đó là vị chè mát ngọt có hậu khác với chè trung du. Chè Shan Tuyết của HTX Sơn Trà được đánh giá là loại chè ngon, bởi chè được thu hái hoàn toàn thủ công và chế biến nhờ những kinh nghiệm của người xưa để lại.
Điều khiến ông Đặng Ngọc Phố vui mừng nhất là HTX Sơn Trà do ông đứng đầu trong suốt quá trình hoạt động, ngoài việc phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo tồn cây chè Shan Tuyết quê hương còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con dân tộc miền núi nơi đây. Bởi ngày nào ông Phố còn làm chè, bà con nhân dân nơi đây còn công ăn việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống.
Tùy từng loại lá chè, khi người dân hái và đem bán lại, ông Phố sẽ mua với các mức giá khác nhau theo quy định. Thông thường, nếu làm cả ngày, người dân có thể kiếm được tới 300.000 đồng. Có người còn kiếm được tới 600.000 đồng/ngày. Làm ngày nào, ông Phố trả công luôn cho họ ngày đó. Những đợt bà con hái ít, ông Phố lại tăng giá mua để khuyến khích bà con tích cực hái chè. Tuy vậy, giá cung cấp ra thị trường của sản phẩm vẫn không hề thay đổi.
HTX Sơn Trà có khoảng 21,4 ha rừng trồng chè. Chính quyền địa phương hướng tới nông nghiệp sạch, nên người dân ở đây không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay chất hóa học. Lá chè hái trực tiếp tại cây có thể ăn được luôn mà không sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy nên cứ vào mỗi dịp hè, các đoàn sinh viên tình nguyện lại về đây dựng trại để thăm quan và trực tiếp đi hái chè, tự tay sao chè và đem về làm quà cho người thân.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn sản phẩm chè Shan Tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà làm quà tặng Thủ tướng Malaysia. Đây là vinh dự, là cơ hội cho sản phẩm chè Shan Tuyết của HTX Sơn Trà và của ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang.
Hiện nay, chè Shan Tuyết của HTX Sơn Trà đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và là một trong 80 sản phẩm giành giải Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam. Sản phẩm đang được thử nghiệm ở hai thị trường Pháp và Mỹ, hướng tới đưa mục tiêu đạt chuẩn chất lượng 5 sao để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Có lẽ, những người gánh trên vai nhiều trọng trách lớn sẽ luôn luôn trăn trở không ngừng. Trăn trở làm sao để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm sạch đến gần hơn với người tiêu dùng? Trăn trở làm thế nào để cải thiện hơn nữa thu nhập cho bà con làm chè, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân miền núi? Trăn trở phải làm gì để từ cây chè Shan Tuyết từng bị chặt làm củi, trong tương lai sẽ giúp cho địa phương phát triển ngành du lịch? … Đó chỉ là những trăn trở ít ỏi mà ông Đặng Ngọc Phố kể ra. Tuy nhiên, với ông - một con người yêu cây chè và hết lòng vì cộng đồng, bao nhiêu trăn trở chỉ là vấn đề thời gian. Khi sự hăng say trong lao động, sản xuất và cái tâm của người làm chủ luôn tồn tại, mọi mục tiêu chính đáng đều có thể đạt được. Chậm mà chắc như cây chè Shan Tuyết, 20 năm chỉ mọc được đến tầm lưng người, nhưng thân vô cùng vững chãi, và búp chè ngày càng tinh hoa.