"Dân vận khéo" phát huy nguồn lực trong phát triển

Thực tiễn ở tỉnh Hải Dương cho thấy, khi công tác dân vận hướng mạnh vào tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; phát huy vai trò giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với hệ thống chính trị… tạo đồng thuận xã hội, đồng hành của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, góp phần triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống đồng bộ và hiệu quả từ cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
"Dân vận khéo" góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
"Dân vận khéo" góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Trong nhiều năm liền, tỉnh Hải Dương tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận.

Tạo thế "sâu rễ bền gốc" từ cơ sở

Thanh Miện vốn là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, thu nhập người dân chưa cao. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nếu các xã của huyện chỉ dựa vào đầu tư của trên, thì khó đạt được tiến độ và các mục tiêu đặt ra. Trong bối cảnh đó, công tác dân vận đã góp phần tạo nội lực trong triển khai, xây dựng các công trình, dự án tại các địa phương. Hình thức chủ yếu vẫn là vận động xã hội hóa từ nhân dân song trong phương pháp tổ chức thực hiện có một số đổi mới.

Cụ thể, chính người dân, thường là thành viên Chi hội Cựu chiến binh thôn, đứng ra làm chủ thực hiện các công trình. Bí thư, trưởng thôn đóng vai trò thành viên hội đồng thẩm định, giám sát. Tiền quỹ của thôn chỉ được dùng vào việc thực hiện công trình nên không thể thất thoát dù một đồng nhỏ. Phong trào được phát động tại thôn, xóm trên các kênh mạng xã hội, ngay trong đợt phát động đầu năm 2023, người dân đã đóng góp được 60 tỷ đồng xây dựng quê hương.

Từ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, Hải Dương đã huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình "dân vận khéo".

Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Miện Đào Ngọc Phong khái quát: Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" thể hiện sinh động trong thực tiễn đã tạo nên sức sống của phong trào.

Thành phố Chí Linh là một đô thị trẻ đang dồn sức cho mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa, dịch vụ, du lịch, đô thị thông minh và công nghiệp công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu đó, Ban Thường vụ Thành ủy xác định mục tiêu, yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh làm hạt nhân lan tỏa việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố. Thành phố hiện đã mang dáng vóc, định hình của một đô thị du lịch sinh thái, văn minh.

Đây là kết quả của phong trào "Toàn dân chung tay xây dựng thành phố Chí Linh xanh-sạch-đẹp" được cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân thành phố hưởng ứng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Hồng chia sẻ bài học, phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý và nội lực của nhân dân đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận bám sát nhiệm vụ chính trị bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.

Từ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, Hải Dương đã huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình "dân vận khéo".

Tiêu biểu như Chương trình phối hợp "Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương" giai đoạn 2020-2022, toàn tỉnh đã có 1.229 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" về bảo vệ môi trường. Năm 2022, tỉnh Hải Dương đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ 178 xã và 12 đơn vị cấp huyện của tỉnh (đạt 100%) đều được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

"Dân vận khéo" phát huy nguồn lực trong phát triển ảnh 1
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại huyện Thanh Miện.

Chính quyền hỗ trợ và phục vụ

Khảo sát nhiều cơ quan, địa phương ở tỉnh Hải Dương cho thấy, công tác dân vận chính quyền luôn gắn liền quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các tổ chức, nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Năm 2022, lĩnh vực này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết, đánh giá và ban hành chủ trương "về tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới".

Về đổi mới phương thức lãnh đạo, năm qua tỉnh đã thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính đối với 17 sở, ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp và 12 huyện, thị xã, thành phố theo 7 nội dung: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Về vấn đề này, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Hồng Hà, trao đổi: Tỉnh đánh giá thông qua điều tra xã hội học, lấy ý kiến đánh giá đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Chí Linh Nguyễn Thị Hải Yến cho biết: Đảng bộ thành phố bám sát chủ trương đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của tỉnh, từng bước thay đổi theo hướng "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ cách làm, rõ hiệu quả" và được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn.

Điều này được thể hiện qua kết quả của công tác vận động nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: công tác giải phóng mặt bằng, triển khai một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong triển khai các hoạt động an sinh xã hội... tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là đạo đức công vụ, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng thẳng thắn thừa nhận những mặt còn hạn chế trong lĩnh vực dân vận chính quyền, về cải cách hành chính trên địa bàn. Theo đó, một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt để triển khai các giải pháp có tính đột phá nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt; một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực, chậm đổi mới về tư duy... Có nguyên nhân từ vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa được phát huy đầy đủ.

Thực tế đó đòi hỏi tỉnh cần tăng cường hơn nữa việc thực thi công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp. Trong đó có chế độ tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, phản ánh của công dân từ cơ sở.

Gắn liền với đó, để thúc đẩy quá trình này ngày càng hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.