Xây dựng và điều chỉnh chính sách

Gò đồng ở Đại Bái
Gò đồng ở Đại Bái

Chồng chéo văn bản trong tôn vinh

Đã có hai luật và ba nghị định liên quan trực tiếp nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Luật Di sản văn hóa và Luật Thi đua, Khen thưởng, các Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, số 123/2014/NĐ-CP và số 109/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó còn có các quy định của các địa phương và các hội nghề nghiệp (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hiệp hội các làng nghề thủ công…). Các nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú, được tôn vinh theo Nghị định số 123/2014/NĐ-CP. Các nghệ nhân thuộc những ngành khác trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lại được tôn vinh theo Nghị định số 62/2014 /NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo nội hàm khái niệm văn hóa phi vật thể thì nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống chỉ là một trong nhiều loại hình văn hóa phi vật thể. Và như vậy đang có đồng thời hai Nghị định do hai Bộ phụ trách chi phối việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân văn hóa phi vật thể từ Trung ương tới địa phương. Có hai hội đồng xét chọn trước khi trình Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng, một hội đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP) và một hội đồng của Bộ Công thương (theo Nghị định số 123/2014/NĐ-CP). Tiêu chí để xét chọn tôn vinh cũng có những khác biệt khi cùng hướng đến một danh hiệu. Nhận thức của các thành viên ở hai hội đồng cũng có khác nhau. Điều này rất dễ gây chồng chéo trong trường hợp một nghệ nhân vừa thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống vừa thuộc lĩnh vực tri thức dân gian (ẩm thực chẳng hạn) có thể nộp hồ sơ ở cả hai nơi mà vẫn hợp lệ.

Một số chính sách chưa thiết thực

Cho đến nay, các chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân được thực hiện theo công thức chung áp dụng cho "hộ nghèo" và cũng chỉ tập trung vào các nghệ nhân có danh hiệu. Điều này chưa động viên được nghệ nhân và cũng chưa tác động tích cực khuyến khích bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Nhìn rộng hơn, các chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Có những nghệ nhân tiêu biểu qua đời mà chưa nhận được sự tôn vinh và chính sách đãi ngộ xứng đáng. Nhiều nghệ nhân vẫn đang gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể mà ngay trong cuộc sống bình thường bởi họ không thuộc các cơ quan nhà nước, ít được hưởng các chính sách xã hội, nhiều người sống ở các vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Vì những lẽ đó, di sản văn hóa phi vật thể do họ đang nắm giữ chưa thể được phát huy như mong muốn.

Các chính sách hỗ trợ thường cũng chỉ mới dừng ở nhóm chính sách tôn vinh và an sinh xã hội. Hệ thống văn bản thiếu đồng bộ và không kịp thời, còn thiếu liên kết giữa các ngành (như việc tồn tại hai hệ thống phong tặng danh hiệu nghệ nhân đã nêu). Các chính sách xã hội hóa nguồn hỗ trợ nghệ nhân chưa thu hút, thúc đẩy sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hướng tới mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích

Trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, người nắm giữ, thực hành di sản được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất. Một nghệ nhân mất đi được ví như một thư viện bị cháy. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên mọi phương diện từ ban hành chính sách, thực hiện công tác quản lý,… không tách rời và phải hướng tới mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân và cộng đồng không ngừng gìn giữ, thực hành và trao truyền các giá trị di sản văn hóa phi vật thể họ đang nắm giữ.

Khung chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam sẽ cần bao gồm: Hỗ trợ nghệ nhân kế thừa-thực hành-truyền dạy và tái sáng tạo, sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Gắn kết chính sách đối với nghệ nhân, chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với các chính sách, chương trình về kinh tế, văn hóa, xã hội - trong đó ưu tiên cho hoạt động truyền dạy, tạo không gian, điều kiện thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng và gắn kết di sản văn hóa phi vật thể với công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, còn cần khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động quảng bá, giới thiệu, chia sẻ thông tin về nghệ nhân và di sản văn hóa phi vật thể, áp dụng khoa học, công nghệ vào việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể và nghệ nhân. Các chính sách cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào hoạt động hỗ trợ, khai thác các nguồn lực là các di sản văn hóa phi vật thể do nghệ nhân đang nắm giữ. Mô hình hợp tác giữa các bên trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở nhà nước-cộng đồng-nghệ nhân mà mô hình đó cần/nên là: nhà nước-cộng đồng-nghệ nhân-xã hội (doanh nghiệp, hiệp hội,…)