Thanh niên miền núi xung kích và chung sức cùng cộng đồng

Bắc Kạn hiện có khoảng 82.700 thanh niên, chiếm 26% số dân và hơn 40% tổng số lao động của địa phương, trong đó thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 70%. Từ những phong trào sôi nổi, lực lượng thanh niên các DTTS ở vùng cao đã xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế, đồng thời chung sức cùng cộng đồng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Ðoàn viên, thanh niên huyện Ba Bể ra quân, vệ sinh khu cách ly tập trung tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Cao Thượng. Ảnh: Huyện đoàn Ba Bể
Ðoàn viên, thanh niên huyện Ba Bể ra quân, vệ sinh khu cách ly tập trung tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Cao Thượng. Ảnh: Huyện đoàn Ba Bể

Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới là một trong những điển hình kinh tế tập thể của thanh niên đồng bào DTTS ở vùng cao Bắc Kạn hoạt động vững vàng trước đại dịch Covid-19. Với 11 thành viên, HTX xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác. Ðến nay, HTX đã có 2.000 m2 nhà lưới công nghệ cao; 10 ha chè thâm canh VietGAP; 1 ha cây mướp đắng rừng; gần 4 ha thanh long ruột đỏ… Ngoài ra, HTX xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật, liên kết bao tiêu sản phẩm cho 12 hộ dân, với sản lượng 1.000 lít/năm. Doanh thu bình quân mỗi năm đạt hơn 5 tỷ đồng, thu nhập của mỗi thành viên đạt 4,5 triệu đồng/tháng. Mới đây, thông qua tài khoản mạng xã hội facebook, HTX Thanh niên Như Cố thông báo bán đấu giá một trái dưa lưới có trọng lượng 3 kg, là trái dưa lớn nhất từ trước đến nay của HTX được trồng bằng phương pháp hữu cơ để ủng hộ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Anh Lường Ðình Hùng, dân tộc Tày, thành viên sáng lập HTX cho biết: “Sau 24 giờ đấu giá, trái dưa lưới đã được một doanh nghiệp tại thành phố Bắc Kạn mua với giá 2,6 triệu đồng. Các thành viên trong HTX tự nguyện đóng góp thêm gần bốn triệu đồng để ủng hộ cho Quỹ phòng, chống Covid-19 của xã. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 gắn với ổn định việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên”.

Nhằm giúp người dân vơi bớt những khó khăn, vượt qua dịch bệnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp tổ chức Chương trình “Kết nối tiêu thụ - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”, kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhân dân trong vùng cách ly, phong tỏa. Sau ba ngày phát động, thanh niên trong toàn tỉnh đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 20 tấn dưa hấu, bí xanh thơm. Nguồn thu từ bán dưa, bí xanh đã chuyển hỗ trợ quỹ phòng, chống Covid-19 của tỉnh 20 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng thanh niên DTTS ở vùng cao Bắc Kạn đã tham gia tuyên truyền, hướng dẫn hơn 23.500 người dân, đoàn viên, thanh niên khai báo y tế; phát hơn 30.500 tờ rơi, hàng trăm nghìn khẩu trang, nước sát khuẩn, phun tiêu độc khử trùng được 100 lượt tại các trường học, cơ quan, khu dân cư; dọn dẹp khu cách ly; tổ chức nấu hơn 1.600 suất cơm tại các huyện: Pác Nặm, Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Ðồn... Các cấp bộ Ðoàn thành lập 108 đội hình tình nguyện hướng dẫn bà con DTTS khai báo thông tin y tế trên ứng dụng NCOVI. Bí thư Tỉnh Ðoàn Bắc Kạn Nông Bình Cương cho biết, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Ðoàn thay đổi nội dung, phương thức các hoạt động phong trào. Theo đó, tập trung nguồn lực tăng cường tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hình thức thành lập các tổ, nhóm nhỏ, luân phiên thực hiện các nội dung công việc, như: làm cầu, tham gia, giúp người dân vùng phong tỏa thu hoạch, tiêu thụ nông sản...

Trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều thanh niên đi làm công nhân ở các tỉnh ngoài phải trở về địa phương đang tạo sức ép về việc làm, thu nhập, Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo, định hướng cho thanh niên khởi nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kiến thức định hướng, hỗ trợ, tư vấn thanh niên nông thôn làm kinh tế, phát triển tổ hợp tác, HTX thanh niên, xây dựng các mô hình liên kết làm kinh tế giỏi. Ðến nay, Bắc Kạn đã phát triển, củng cố 205 mô hình kinh tế của thanh niên, 33 tổ hợp tác, 25 HTX do thanh niên làm chủ, tích cực góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Một số mô hình tiêu biểu như HTX Hương Rừng tại huyện Na Rì, HTX Thanh niên Như Cố tại huyện Chợ Mới, HTX Thanh niên Nhung Lũy tại huyện Ba Bể, HTX Hương Ngàn tại huyện Bạch Thông... đều hoạt động hiệu quả, biết tận dụng các thế mạnh của địa phương kết hợp với ứng dụng khoa học, công nghệ.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn Nông Bình Cương cho biết thêm, thời gian tới, Tỉnh đoàn Bắc Kạn sẽ tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, đề án, bố trí nguồn lực, tăng cường đối thoại với thanh niên, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số, vùng cao khởi nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương, xung kích tham gia các phong trào trong tình hình mới, nhất là chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.