Theo đánh giá, thời điểm đang thực hiện đề tài “đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt”. Nhưng khi nhiệm vụ “đạt yêu cầu” và khép lại, đối tượng phục vụ nghiên cứu bị “bơ vơ”?!
Hình ảnh đàn bò tót lai F1 được nuôi nhốt tại Trại khảo nghiệm Phước Bình đang cố nhai rơm khô, khi phát hiện bó cỏ tươi (được một lão nông đưa về phục vụ đàn bò nhà) đã cố với cổ trong sự bất lực vì vướng song sắt, khiến nhiều người nghẹn lòng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, đàn bò tót lai gồm 11 con (10 con F1 và một con F2) là tài sản từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”, được triển khai thực hiện từ tháng 10-2015, nghiệm thu ngày 20-11-2019.
Sau khi được hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia đánh giá “đạt yêu cầu”, “nhiệm vụ nghiên cứu” khép lại, cũng là lúc đàn bò mang “gen quý” bị “buông lơi”, gặm cỏ khô, uống nước suối cầm cự qua ngày. Con nào dành được thức ăn cầm hơi thì thể trạng đỡ hơn, số còn lại ốm đói, suy kiệt. Nhìn đôi mắt bò khiến tôi ám ảnh “…một con bò kiên nhẫn đứng nhai mưa/Nó không đứng chơi, trên vai ách nặng/mắt rợp buồn chiều đông…” (trích bài “Mắt bò”, trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Hữu Việt). Vẻ đẹp của nỗi buồn, sự kiên nhẫn và gì nữa chăng trong sâu thẳm đôi mắt những con bò?
Chắc là có, bởi nó đâu “đứng chơi”, mà “trên vai ách nặng” những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia hẳn hoi. Khi dự án trong thời gian triển khai, đàn bò được bác sĩ thú y, nhân viên trung cấp chăn nuôi thú y túc trực và một người bảo vệ, chăm sóc bò. Đàn bò được ăn cỏ tươi, được thong dong trên đồng cỏ thuê của người dân hơn 2ha. Nhưng, khi nhiệm vụ khoa học được phê “đạt yêu cầu”, dự án kết thúc và nguồn kinh phí được cho không còn dồi dào, nên đàn bò “nhai mưa”, gặm cỏ khô và đôi mắt kiêu hãnh trở nên đượm buồn, không còn sự oai phong của nguồn “gen” hoang dã.
Trước đó, giai đoạn 2009 - 2014, một cá thể bò tót đực tại Vườn quốc gia Phước Bình thường xuyên tìm về giao phối với đàn bò cái của người dân địa phương. Sau đó sinh ra hơn 20 con bê có hình thức khác biệt so những con bê nhà. Nhận thấy đây là trường hợp rất hiếm gặp, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong chăn nuôi đại gia súc, nên ngành khoa học - công nghệ hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã phối hợp thực hiện đề tài liên tỉnh: “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus), tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng”; kết quả đánh giá đạt yêu cầu.
Kế thừa các kết quả trên, năm 2015, hai tỉnh đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất cho thực hiện nhiệm vụ: “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”, với tổng kinh phí hơn ba tỷ đồng (ngân sách T.Ư hơn 2,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách đối ứng của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận).
Ngày 5-10, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã chuyển giao 11 con bò tót lai trên cho Vườn quốc gia Phước Bình quản lý và nuôi dưỡng. Trong đó ghi nhận, bốn con F1 và bò lai F2 đang mang thai, thể trạng bình thường, còn lại gầy yếu, suy dinh dưỡng… Cùng với yêu cầu hồi phục sức khỏe cho đàn bò, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp tỉnh Ninh Thuận bảo tồn và định hướng phát triển đàn bò tót lai. Sở Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt “Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, trong đó có dự án “Bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1, giai đoạn 2021-2025”.
Như vậy, đàn bò tót lai tiếp tục vai trò đối tượng cho nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen, “nguyên liệu nền” giúp các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển, cho ra thế hệ bò lai F2, F3, bởi thực tế đã diễn ra.
Từ chuyện đàn bò tót lai gầy trơ xương lại mở ra chuyện xử lý tài sản hậu thực hiện đề tài, dự án và nhiệm vụ khoa học - công nghệ.
Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, ngày 15-5-2018 của Chính phủ về “Quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước”, đã nêu rõ hình thức xử lý tài sản trang bị khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân chủ trì có trách nhiệm “bảo quản tài sản” và hồ sơ của tài sản từ ngày kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ… cho đến khi hoàn thành việc xử lý tài sản theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Sau khi kết thúc “nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen cấp quốc gia”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã có hàng loạt văn bản liên quan xử lý tài sản hậu thực hiện đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Nhưng mãi đến hơn một năm mới được xử lý. Song, dấu hỏi đặt ra rằng, nếu không có hình ảnh đàn bò tót lai gặp cỏ khô, gầy trơ xương trên mạng xã hội, trên báo chí, liệu “tài sản” nhiệm vụ khoa học và công nghệ “sử dụng vốn nhà nước” sẽ dùng dằng đến bao giờ? Việc xử lý trách nhiệm “bảo quản tài sản” từ ngày kết thúc nhiệm vụ khoa học ra sao?
Buồn thay, trong khi những con bò tót lai, nguồn gen quý hiếm, tài sản trong thực hiện nhiệm vụ khoa học Nhà nước lại héo hon, sống mòn; thì đàn bò tót lai của người dân nuôi dưỡng lại vạm vỡ, oai phong. Nguyên nhân sâu xa khiến đàn bò trơ xương cũng đã được người có trách nhiệm “giãi bày”. Qua câu chuyện này, một lần nữa, cảnh báo về trách nhiệm sử dụng nguồn vốn Nhà nước; trách nhiệm, đạo đức trong thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ và tính nhân văn trong đối đãi với đối tượng (động vật) phục vụ đề tài nghiên cứu. Dẫu sao, những con bò đã giúp đề tài nghiên cứu “đạt yêu cầu”.
“Ôm rơm rặm bụng”, cha ông ta nói nghe lạ, mà thấm. Nhưng ở đây, đàn bò tót lai không tự “chuốc lấy” việc vất vả, phiền phức. Nó được mua để trở thành “tài sản” phục vụ nghiên cứu khoa học và đã từng được săn sóc. Chúng chỉ “nhai rơm rặm bụng” để cầm hơi trong giai đoạn dùng dằng xử lý tài sản hậu đề tài, đủ để: “…sao chỉ nhớ/cái con bò kiên nhẫn nhai mưa - quá - khứ/im lặng nhìn tôi/như một lỗi lầm, như một cách xa…” - (trích bài “Mắt bò”).