"Ðại sứ" nón làng Chuông

NDO - ND - Cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, vừa đến cổng làng, khách du lịch đã thấy lá nón phơi trắng trên đường làng. Ðây chính là làng Chuông - quê hương của nghề làm nón lá truyền thống. Là một nghệ nhân trẻ của làng Chuông, chị Tạ Thu Hương đã mang thương hiệu nón làng Chuông tới bạn bè quốc tế, cho nên người làng vẫn trìu mến gọi chị là "đại sứ" nón làng.

Chị Tạ Thu Hương sinh năm 1968, tại thôn Quang Trung (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, có tên Nôm là làng Chuông). Từ khi mới 7 tuổi, chị Hương đã quen với công việc của người thợ làm nón. Nhưng rồi những biến động của thị trường đã ảnh hưởng lớn đến nghề, chẳng mấy người còn thiết tha với làm nón. Nhưng với chị Tạ Thu Hương, ý nghĩ gìn giữ và phát triển nghề làm nón truyền thống cứ thôi thúc trong tâm trí.

Làng Chuông xưa kia nức tiếng về nghề nón, nón cổ cũng rất đa dạng với nhiều mẫu mã để phục vụ nhiều đối tượng khác nhau. Vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 hằng tháng, phiên chợ nón lại tấp nập, chị Hương cùng các mẹ, các chị ra chợ để chào bán sản phẩm. Giới thiệu về các công đoạn làm nón, chị Hương chia sẻ, công việc của người thợ nón đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ và phải làm hoàn thành bằng thủ công. Lá nón nhập từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Yên Bái... được chọn từng lá một và phân loại thật kỹ. Lá cứng dùng làm hàng bình dân, lá non dùng làm hàng tốt. Tất cả các lá được phơi đều nắng, chiếc lá từ xanh chuyển sang mầu trắng bạc, chín đẹp, hơ qua lưu huỳnh để tránh ẩm mốc. Người thợ dùng chiếc giẻ bọc vào lưỡi cày hơ trên than củi sao cho nhiệt độ vừa phải để là lá cho phẳng mịn. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, căn cho nhiệt độ sao cho vừa phải để chiếc lá không bị cháy, đỏ. Nếu nhiệt độ không đủ, chiếc lá sẽ bị sống, không bóng đẹp. Vòng nón được làm từ tre, sợi vòng phải tròn đều, khi nối với nhau thì nuột nà, trơn tru, tuyệt đối không được lẹm, vênh. Nón làng Chuông có 16 vòng, khuôn tám gọng. Người thợ xếp các vòng nón có kích cỡ khác nhau vào khung gỗ từ chóp nón trở xuống theo thứ tự từ bé đến lớn, tức giai đoạn "vức vòng". Làng Kim Thư bên cạnh nổi tiếng làm vòng nón tròn trịa, cứng cáp chuyên phục vụ nón làng Chuông.

Ðến giai đoạn "quai nón", chị Hương khéo léo xếp lần lượt từng chiếc lá nón đã chọn sẵn lên khung nón, một lớp mo tre ở giữa hai lớp lá. Công đoạn "khâu nón" theo chị là công đoạn khó nhất của nghề nón, thể hiện sự tài tình khéo léo của người thợ. Người thợ giỏi là người khi khâu bảo đảm nón không bị nát lá, không bị lộ chân kim, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp, khăng khít chặt chẽ, khi soi lên mặt trời không thấy kẽ hở. Chiếc nón hoàn tất khi kết thúc công đoạn làm nôi, tức phần buộc quai nón, tùy nón mà nôi pha mầu, phối mầu. Ðể tránh thấm nước, người thợ sẽ phết phía ngoài lớp quang dầu thông mỏng. Với tình yêu và tay nghề đặc biệt, chị đã làm ra những chiếc nón nổi tiếng như: ba chiếc nón khổ lớn (mỗi chiếc có đường kính 3m) để chào đón Seagame 22 và chiếc nón khổng lồ trưng bày trong lễ hội chào mừng Hội nghị APEC (đường kính 3,6 m) năm 2006.

Ngoài kiểu nón truyền thống, chị Hương còn sáng tạo nón lá kết hợp với lụa Hà Ðông, nón lưu niệm, nón Bồ Hụp, nón Thái... Nón lá kết hợp với lụa đòi hỏi người thợ phải đạt trình độ kỹ thuật cao, tinh xảo. Chiếc nón lụa nhẹ nhàng, thanh thoát, lại hiện đại với nét óng ả của lụa, mầu sắc phong phú, dễ kết hợp các loại váy áo...

Làm được nón đẹp đã khó, lo tiêu thụ sản phẩm còn khó hơn. Chị Hương nhớ lại, thời gian đầu, một mình chị lặn lội gõ cửa các công ty thương mại xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để giới thiệu nón Chuông, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Vẫn bền lòng, chị đi tới nhiều nơi tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu khách hàng, thành lập cơ sở thu mua nón lá, chào bán sản phẩm. Chị rất tích cực tham gia các hội chợ triển lãm như "Cây tre Việt Nam", hội chợ du lịch làng nghề, triển lãm làng nghề Việt Nam tại Huế, chương trình di sản văn hóa, làng nghề chào mừng Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Chị cũng từng đi biểu diễn làm nón nghệ thuật tại Ma-lai-xi-a, là đại diện làng nghề mang sản phẩm nón Chuông tới ba thành phố của Nhật Bản. Chiếc nón của chị đã vượt qua lãnh thổ Việt Nam, là quà tặng tới quan khách, được bạn bè quốc tế biết đến. Nhờ thế,  làng Chuông dần trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn của Thủ đô.