Lịch sử Phật giáo cho biết, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nguyên là Thái tử con vua Tịnh Phạn (Sudhodana) và Hoàng hậu Ma Da (Maya) thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), nay thuộc Nepal. Về ngày sinh của Đức Phật, theo sự tích Phật giáo: Hoàng hậu Ma Da trở về quê ngoại an dưỡng khi bà mang thai gần đến ngày sinh nở. Trên đường trở về, Hoàng hậu Ma Da đã ghé vào vườn Lâm Tỳ Ni để nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Trong vườn Lâm Tỳ Ni có cây Vô Ưu xòe tán rộng, hương hoa thoang thoảng, khiến cho Hoàng hậu và tùy tùng vô cùng thích thú. Sau khi thưởng hoa xong, Hoàng hậu chậm rãi bước đến gốc cây Vô Ưu. Bấy giờ, ánh sáng bỗng nhiên rực rỡ chan hòa, Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử. Lúc này, Đế Thích đem hoa sen trải xuống, Thái tử nhẹ nhàng đặt chân lên cánh hoa sen và bước đi bảy bước. Từ hư không, Long Vương phun hai dòng nước ấm và mát để tắm gội cho Ngài. Vua Tịnh Phạn nghe tin Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử, lập tức lệnh cho quan quân đến vườn Lâm Tỳ Ni. Nhìn dung mạo Thái tử, vua rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, bảy ngày sau khi sinh Thái tử, Hoàng hậu Ma Da lìa trần. Vua Tịnh Phạn đưa Thái tử về thành Ca Tỳ La Vệ và đặt tên là Tất Đạt Đa (Shidartha).
Trong ngôn ngữ Pali, ngày Đức Phật đản sinh gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, ngày lễ Phật đản cũng là ngày Đức Phật thành đạo và ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Do vậy, tín đồ Phật giáo theo Phật giáo Nguyên thủy tổ chức ba lễ gọi là Đại lễ Tam hợp. Theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa, ngày Đức Phật đản sinh theo lịch cổ của người Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Quốc vào ngày 8 tháng tư, âm lịch. Do đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thường tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày này. Vào năm 1950, tại Colombo, Srilanka, các đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo thế giới đã thống nhất ngày Phật đản là ngày 15 tháng 4 âm lịch hằng năm.
Lễ Phật đản có nhiều nghi lễ khác nhau, trong đó Tắm Phật là nghi lễ hết sức quan trọng, truyền tải nhiều ý nghĩa khác nhau. Nghi lễ này có nguồn gốc từ sự tích Đức Phật đản sinh có Long Vương phun hai dòng nước ấm và mát tắm cho Thái tử. Theo quan niệm, hai dòng nước ấm, mát mang ý nghĩa hai thể là một, đạo pháp không phân hai,.. đồng thời cũng biểu trưng cho cảnh giới thuận và nghịch; an vui hạnh phúc với buồn phiền, đau khổ,... Do vậy, thực hành nghi lễ Tắm Phật chính là cơ hội để mỗi người tự quán chiếu nội tâm mình, để từng gáo nước gột rửa đi những tham lam, sân hận, si mê mà quay về với nếp sống chính niệm, quay về Phật tính trong mỗi người. Cùng với ngày Lễ Phật đản là thời điểm bắt đầu mùa An cư kiết hạ, đây là thời điểm tăng ni dành thời gian cho việc tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ; đối với Phật tử và người có cảm tình với đạo Phật thì đây là thời điểm phát tâm thiện lành, gia tăng cúng dường Tam bảo, ủng hộ Phật pháp, v.v.
Ở Việt Nam, từ lâu, đại lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang trọng và đã trở thành lễ hội lớn của cộng đồng tín đồ Phật tử và người dân có cảm tình với đạo Phật. Ngoài việc trang trí lễ đài trang nghiêm ở cơ sở thờ tự để tín đồ Phật tử dâng hương và thực hành nghi lễ Tắm Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố còn tổ chức xe hoa diễu hành trên đường phố, thực hành nghi lễ phóng sinh, hoa đăng, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết pháp,...
Năm 2021, cũng như năm 2020, Đại lễ Phật đản diễn ra đúng vào đợt dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Trước yêu cầu tập trung phòng, chống dịch của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản về việc tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2021 bảo đảm không tập trung đông người, không tổ chức lễ hội tập trung, rước xe hoa hay các hình thức tập trung đông người khác; khuyến khích các hình thức tổ chức trực tuyến trên internet, trên kênh Phật sự online, trên các nền tảng như Facebook, YouTube, v.v. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khuyến khích Phật tử thực hiện nghi lễ Tắm Phật tại nhà. Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng kêu gọi tăng ni, Phật tử cả nước chung tay đóng góp tài lực trên tinh thần tương thân, tương ái theo lời kêu gọi của Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhằm ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Chấp hành quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tùy vào tình hình cụ thể, tổ chức Lễ Phật đản trang trọng, ấm cúng, để vừa đáp ứng nhu cầu của Phật tử và nhân dân, vừa tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Nhân dịp Đại lễ Phật đản năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đã nhận được sự quan tâm thăm hỏi, chúc mừng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương.
Đại lễ Phật đản không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn chứa đựng ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa xã hội. Đại lễ Phật đản không chỉ chuyển tải những giá trị đạo đức nhân bản của đạo Phật, mà còn khơi dậy những giá trị nhân văn đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Qua Đại lễ, tín đồ Phật tử thành tâm thể hiện sự tôn kính của mình trước Đức Phật, những vị anh hùng có công với dân với nước; đồng thời cũng là dịp tín đồ Phật tử nhìn lại mình để hiểu về các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp mà đạo Phật đã đem lại cho con người.
Ở Việt Nam, Đại lễ Phật đản là ngày hội lớn, trở thành một sinh hoạt Phật giáo quan trọng, không chỉ có ảnh hưởng đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo mà còn thu hút đông đảo người dân tham gia.