Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (GRDP) tăng 0,18% so với năm 2020, là một trong số 54 địa phương trên cả nước có mức tăng trưởng dương; trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng cùng với Hà Nội và Hải Phòng có mức tăng trưởng dương; trong 5 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vùng, mức độ phục hồi kinh tế của Đà Nẵng còn rất chậm do phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 từ tháng 5 đến nay. Đây là thông tin nổi bật được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội do Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 30/12.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thành phố có dấu hiệu phục hồi khá tốt, đã thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020, với mức tăng 5,09% so cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,94% so cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, Đà Nẵng lại một lần nữa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kinh tế 6 tháng cuối năm giảm 4,40% so cùng kỳ năm 2020, riêng quý III, tăng trưởng kinh tế quý giảm sâu tới -10,17%.
Trong mức tăng 0,18%, duy nhất chỉ lĩnh vực dịch vụ tăng 1,24%, là trụ đỡ cho cả 3 khu vực kinh tế; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,38%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng giảm 2,13%.
Quy mô nền kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2021 đạt hơn 105.050 tỷ đồng, tăng gần 1.826 tỷ đồng so với năm 2020. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.639 tỷ đồng, giảm 8,72% so với năm 2020. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước 9.944 tỷ đồng, tăng 11,0%, chiếm 31,4% tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn; vốn thực hiện khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn với 52,7%, đạt 16.668 tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm 2020. Vốn thực hiện khu vực FDI giảm sâu ở mức 31,1% và chiếm 15,9% trong tổng nguồn vốn thực hiện trong năm 2021.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tổng số dự án đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới tính đến 15/12/2021 là 39 dự án, giảm 53,0% so với năm 2020, tuy nhiên một số dự án có quy mô tương đối lớn nên số vốn đăng ký tăng 16,3%, tương đương 149,87 triệu USD. Có 18 dự án đăng ký điều chỉnh vốn trong năm 2021 với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm là 30,1 triệu USD;
Về thu hút đầu tư trong nước trong năm 2021, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 7.748 tỷ đồng, tăng 35% về số dự án nhưng giảm 56,1% vốn đăng ký.
Năm 2021, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 3.542 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 17.781 tỷ đồng; giảm 13,8% về số doanh nghiệp và giảm 17% về số vốn so với năm 2020.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, với các biến thể mới, lây lan nhanh, Đà Nẵng đề ra nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội, vừa đẩy mạnh khôi phục, tăng trưởng kinh tế với Chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội”. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo công nghệ.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong năm 2022, Đà Nẵng sẽ quyết liệt thực hiện 9 giải pháp. Trước tiên là tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương, của Thành ủy về phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay. Tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ công tác kiểm soát, phòng, chống dịch.
Tập trung các nguồn lực để phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; rà soát, đánh giá kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện phòng, chống dịch đã ban hành, triển khai trong năm 2021, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất đai, thuế, lao động...
Về du lịch, cần xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch, lên phương án đón khách quốc tế, tổ chức đón khách du lịch nội địa trong tình hình bình thường mới theo lộ trình từng giai đoạn, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch... để thu hút du khách, nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh và tái thiết lập các thị trường khách du lịch, trong đó tập trung thu hút khách du lịch nội địa.
Về thương mại, chủ động xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh, không đề xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Về giao thông vận tải, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải duy trì hoạt động. Tổ chức kết nối các loại hình vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến buýt trợ giá, tăng cường kết nối hệ thống xe buýt với nhà ga đường sắt, sân bay, bến xe.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiếp tục triển khai các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; theo dõi, đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng để xem xét điều chỉnh nhằm đáp ứng kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Về công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh gắn với mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị. Theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất trong điều kiện phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Về nông, lâm nghiệp và thủy sản: tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, hữu cơ, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, phát triển các chuỗi giá trị trong chăn nuôi nhằm bảo đảm cung cấp sản phẩm sạch, an toàn. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, gắn với quy hoạch phát triển thành phố. Chú trọng quản lý rừng bền vững, phát triển mô hình kinh tế lâm nghiệp dưới tán rừng, lâm sản ngoài gỗ.