Theo đó, sau thời gian một năm khai quật khảo cổ tại di chỉ vườn đình Khuê Bắc, các nhà khoa học đã thu được nhiều hiện vật quý thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Có tổng cộng 5.319 hiện vật được bàn giao cho Bảo tàng Đà Nẵng, trong đó: Công cụ đá và đá nguyên liệu là 722, gốm Sa Huỳnh 4.311, gốm Chăm Pa 266; gốm Đại Việt 37; gốm Trung Quốc 10, tiền Đồng 13 và các hồ sơ, hình ảnh, sơ đồ, bản vẽ liên quan đến các hố khai quật.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ học cho rằng đây là di chỉ cư trú, mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Di vật để lại vô cùng phong phú với nhiều loại hình khác nhau, hoa văn trên gốm thể hiện phong phú phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cư dân. Với hai lớp văn hóa bắt đầu từ khoảng thế kỷ 2, và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh. Lớp văn hóa hai là lớp văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạnh (Quảng Ngãi), niên đại khoảng trên 3000 năm BP. Đây là di chỉ cư trú điển hình của văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn Đà Nẵng, làm nền tảng cho sự phát triển của các nền văn hóa ở các thời kỳ tiếp theo.
Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn Hóa và Thể thao Đà Nẵng cho biết, việc bàn giao hàng nghìn hiện vật quý thuộc di sản văn hóa Sa Huỳnh được khai quật tại Di chỉ vườn đình Khuê Bắc sẽ làm phong phú thêm cho Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là những hiện vật cổ, quý và mang giá trị văn hóa, lịch sử, đề nghị Bảo tàng Đà Nẵng bảo quản, giữ gìn và trưng bày một cách tốt nhất.